'Tội phạm tàng hình' xứ gió Lào

TP - Xứ gió Lào Quảng Trị, cách đây 5 năm về trước, loại “tội phạm tàng hình” vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, kể cả lực lượng an ninh lẫn cảnh sát. Song chỉ thời gian ngắn đối diện với loại tội phạm mạng- con đẻ của công nghệ cao này, các lực lượng chức năng đã phá rất thành công nhiều vụ án.
Lê Văn Tư và Cao Văn Hiếu (ở huyện Triệu Phong, là bạn games cũng là đồng phạm lừa đảo qua mạng của Tư) được cảnh sát dẫn giải tới tòa án. Ảnh: H.L.

Cho đến bây giờ, một ngày cuối tháng 5/2017, sau 5 năm xảy ra việc con trai phạm tội, vợ chồng ông Lâm Quang T. và bà Nguyễn Thị V. vẫn nhớ rất rõ khi chúng tôi đến nhà ở phường 2, thị xã Quảng Trị.

Hy vọng tan theo gió

“Năm 2012, con tui Lâm Quang Trung học lớp 11 thì bắt đầu có biểu hiện bất thường bởi lối đi sớm về muộn, song vợ chồng tui bù đầu mần ăn nên chẳng nghi ngờ gì khi con nói đi học nhóm với bạn và học thêm ở nhà thầy cô để chuẩn bị cho việc học lên lớp 12 và thi vào đại học sau này. Một thời gian sau, tui thấy thi thoảng Huy cũng có chơi game ở quán internet, nhưng nghĩ việc chơi chỉ là giải trí, giảm stress mỗi khi việc học hành quá sức. Một ngày nọ, nó mang về nhà ít tiền và mua xe máy mới. “Tiền do con thắng game”, Huy nói với mẹ. Bụng tui nghi nghi song chưa kịp tìm hiểu thì ôi chao, phải chứng kiến nó bị tra tay vào còng số 8. Sau này ngẫm lại, con hư cũng tại mình, quá thiếu quan tâm. Ước mơ nuôi con ăn học, thi đỗ vào đại học, cao đẳng để sau này có công việc làm ăn ổn định, thoát cảnh tay lấm chân bùn đã bay theo mây gió”, ông T. kể.

Câu chuyện của vợ chồng ông Võ Đình Đ. và bà Nguyễn Thị Th. ở xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng cũng không vui vẻ gì. Lưng chùng bên bậu cửa, mắt nhìn ra cánh đồng cát trắng chang chang giữa trưa hè trước mặt, ông Đ. rầu rầu khi nhắc tới con trai Võ Đình Tuấn: “Tuấn trước đây là niềm tự hào của nhà tui. Nó ngoan hiền, hiếu thảo, rất chăm học. Rồi nó thi đỗ vào Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, vợ chồng tui vui sướng run người quên cả ăn. Nhưng rồi trời đất quay cuồng tối sầm, một ngày công an tới nhà thông báo, nó phạm tội lừa đảo”.

Con trai phạm tội lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người khác, ấy là nỗi đau tột cùng của vợ chồng ông Lê Văn B. và Trương Thị H. ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong. Ông B. đau đớn: “Vợ chồng tui sinh thằng Lê Văn Tư rất khó nuôi. Ngót chục năm trời, xong lớp 4, nó mới hết đau những bệnh lặt vặt song rất khó chữa dứt điểm. Rồi nó ăn khỏe, chóng lớn, học hành khá hẳn. Vợ chồng mừng hết nói. Nhưng rồi thằng Tư đổ đốn. Chuyện không phải ý trời, mà do nhà tui lơ là không để ý đến sự bất thường của con”.

Lâm Quang Trung trước vành móng ngựa.

Những đòn quái chiêu

Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Quảng Trị, đại tá Trần Văn Mạnh kể, khoảng 5 năm lại đây, trên địa bàn xứ gió Lào này mà đa phần ở các huyện, thị xã phía Nam của tỉnh, các đối tượng phạm tội liên quan tới Internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bỗng dưng “nóng” lên. Đối tượng gây án có tuổi đời còn rất trẻ, gây án dường như có sự chọn lọc, với địa bàn cả nước, nhưng ngoại trừ Quảng Trị. Thủ đoạn gây án rất tinh vi, phương thức thường xuyên thay đổi, khó đoán, khó lần tìm ra được dấu vết. Hoàng Triệu Ánh Dương (thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong), Lâm Quang Trung (phường 2, thị xã Quảng Trị), Võ Đình Tuấn (xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng), Lê Văn Tư (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong)… là điển hình của những chiêu thức gây án này.

Đại tá Mạnh kể về Lâm Quang Trung. “Sau khi đã được đối tượng xấu chia sẻ đường link có chứa virus, Trung gửi tới nhiều địa chỉ facebook, gmail, yahoo, kèm theo status kích thích sự tò mò của người khác như xem album ảnh đẹp, video hotgirl với 3 vòng đo thiên thần… Các chủ tài khoản hiếu kỳ kích vào đường link có chứa virus đó mà không hay biết thông tin tài khoản của họ lập tức bị gửi tới email của đối tượng gây án. Đối tượng sau khi đã tìm hiểu, nghiền ngẫm lịch sử đàm thoại, thư từ đi, đến của các chủ tài khoản, nhập vai họ một cách hoàn hảo nhất, nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, là người thân, bạn bè của chủ tài khoản. Chỉ sau thời gian ngắn, với thông tin của các chủ tài khoản mạng mà Trung chiếm đoạt được, cậu ta đã nhiều lần nhập vai rất điêu luyện, từ vai hướng dẫn viên du lịch, nữ bán mỹ phẩm, Việt kiều Mỹ, Úc… ở nhiều độ tuổi, giới tính, từ nhiều địa bàn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội… cho đến Washington DC, Sidney.

Nhiều người đã gửi mã thẻ cào điện thoại với số tiền lớn, đinh ninh đang giúp người thân, bạn bè bán hàng, kiếm lời, mà không một chút mảy may nghi ngờ về thông tin họ nhận được. Lúc biết bị lừa, họ cũng chẳng biết là nạn nhân của ai, ở đâu. Bởi vậy cuộc truy tìm “tội phạm tàng hình” như mò kim đáy bể. Cục Điều tra tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an vào cuộc, xác định Trung là thủ phạm. Cục đã bàn giao kết quả điều tra ban đầu cho PC46, Công an Quảng Trị tiếp tục làm rõ... Trung đã chiếm đoạt của nhiều người khác với tổng số tiền 190 triệu đồng, bị TAND tỉnh Quảng Trị phạt tù 2 năm”.

Vẫn là câu chuyện của Đại tá Mạnh. Võ Đình Tuấn (SN 1994, trú xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng) lúc gây án đang là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng nên có hiểu biết về công nghệ thông tin. Tuấn tự thiết lập một đường link riêng có chứa virus, rồi bằng chiêu gây án như Lâm Quang Trung là đột nhập tài khoản, thay mật khẩu và mạo danh một người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc liên hệ với 2 người em họ tại Hà Nội. Hai người này đã sập bẫy Tuấn, gửi cho đối tượng hàng trăm mã thẻ cào điện thoại di động, cũng đinh ninh đang giúp người anh họ bán thẻ kiếm lời ở nước ngoài. Tuấn đã nhập vai rất điệu nghệ, cộng với một đề nghị nghe vừa nghiêm túc, vừa khơi gợi lòng tham của người khác. Tỉ như Tuấn nói “1 thẻ mệnh giá 100 ngàn đồng bán tại Hàn Quốc giá 15 USD, ngồi một chỗ mà kiếm bộn tiền, sao ta không làm?”. Sau khi những “con mồi” nghe lời, Tuấn chỉ cần với một thao tác nhẹ nhàng trên internet là đã có thể gom hàng trăm mã thẻ cào điện thoại vào “ví điện tử” trang thanh toán trực tuyến, có trong tay hàng chục triệu đồng. Tuấn “nhấp chuột” chủ yếu tại các tiệm internet ở Đà Nẵng. Bên cạnh lừa “2 người em họ” ở Hà Nội, Tuấn còn đoạt facebook của nhiều người khác, tổng cộng số thẻ cào điện thoại mà anh này lừa chiếm đoạt là hơn 4.000 thẻ, trị giá ngót 1 tỷ đồng. Tuấn bị TAND tỉnh Quảng Trị phạt tù 12 năm, sau đó cấp phúc thẩm xử giảm còn 9 năm.

Có những vụ đối tượng gây án có trình độ cao nhất định về công nghệ thông tin, song nhiều vụ đối tượng sử dụng phương thức gây án “truyền thống” mà vẫn đoạt được của người khác hàng trăm triệu đồng. Như Lê Văn Tư (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong). Sau nhiều lần mò mẫm tìm mật khẩu facebook của người khác bằng cách nhập tên, ngày tháng năm sinh… một cách ngẫu nhiên, Tư đã vào được tài khoản của một du học sinh Việt Nam tên Trang tại Cộng hòa Czech. Rồi Tư nhập vai, liên lạc với chú ruột của Trang lúc đó đang ở TPHCM, gửi cho Tư 1.439 mã thẻ cào điện thoại chỉ trong 11 ngày, với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng. Tư vừa bị TAND Quảng Trị phạt 8 năm tù giam.

Theo số liệu của PC46 Công an Quảng Trị, trong vòng 5 năm nay ở tỉnh này đã diễn ra hơn chục vụ dùng mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Riêng đầu năm 2017, PC46 tỉnh này đã khởi tố bị can đối với Võ Tùng Dương (SN 1999 ở huyện Triệu Phong) để điều tra làm rõ về tội “Sử dụng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.