Tôi là chiến sỹ Tiền Phong
Năm 2014, tôi đến Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Nghệ An gặp Trưởng ban đại diện, nhà báo Trần Quang Long để ngỏ ý xin cộng tác.
“Nhất trí chú vào làm cộng tác viên nhưng anh nói trước, vào Tiền Phong phải là người không ngại gian khó, có thể đi đến điểm nóng bất cứ lúc nào, không chỉ học nghề mà còn phải học tu dưỡng chữ Tâm”, anh Long nói.
Suốt 9 năm qua, những lời anh nói vẫn luôn trong tâm trí tôi. Từ một tay gà mờ, tôi được chỉ dạy trở thành một phóng viên, những nơi tôi đến, tôi qua để tác nghiệp là quá trình cố gắng không ngừng nghỉ để trở thành người Tiền Phong.
Còn nhớ, giữa đêm tháng 10/2016, tại huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) xảy ra trận lũ quét tàn phá. Khoảng 12h đêm, nắm được thông tin, tôi cùng một đồng nghiệp đi xe máy cà tàng vượt mưa gió với quãng đường hơn 150km lên hiện trường.
Trú ngụ qua đêm tại nhà dân, sáng hôm sau tôi theo chân lực lượng cứu hộ lội suối vào bản làng để ghi nhận viết tin, bài. Cây cầu bị lũ xóa sổ, nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về gây nguy hiểm người qua.
Phương án nhanh chóng được đưa ra, hai người đứng hai bên bờ suối buộc dây vào gốc cây và từng người cởi áo nắm chặt dây vượt suối. Nước sâu đến bụng, dòng chảy xiết, riết gào, tôi không chùn bước, một tay giơ cao mũ cối đựng máy ảnh, một tay nắm dây, chân cố bước thật nhanh vào bờ.
Trận lũ quét ấy, báo Tiền Phong là số ít những tờ báo thường trú tại địa phương có tin, bài hình ảnh trực tiếp hiện trường.
Rồi những trận “đại hồng thủy” nhấn chìm hàng chục nghìn ngôi nhà của người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hay trận lũ lịch sử ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình).
Khi được lệnh điều động của Ban Biên tập, tôi sẵn sàng mang ba lô lên và đi. Với tôi, đó là những cuộc chiến chinh không mệt mỏi với sóng dữ, đi đến những ngôi làng đang oằn mình chống chọi với cơn thịnh nộ của “mẹ thiên nhiên”.
Tôi nhớ, tháng 10/2016, sau khi tác nghiệp lũ quét ở Nghệ An, tôi nhận lệnh của Trưởng ban vào Hà Tĩnh để đưa tin bài lũ lụt đang xảy ra ở huyện Hương Khê.
Cùng Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tiếp ứng nhu yếu phẩm cho người dân, chiếc thuyền độc mộc mà tôi và Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Thế Hoàn thời điểm ấy bị gãy tay chèo, hai anh em loay hoay giữ thăng bằng để thuyền khỏi bị sóng lật, thuyền cứ thế bị đẩy ra xa. Chiếc máy ảnh của tôi bị ướt nước không thể sửa chữa. Căng thẳng có phần lo sợ là cảm giác của chúng tôi, may mắn gần 20 phút sau, anh em được các thuyền khác tới hỗ trợ vào bờ.
Tháng 10/2020, “khúc ruột miền Trung” chịu sự tàn phá của lũ lụt và sạt lở đất, sự hy sinh của đồng bào, những nỗi đau mất mát khôn nguôi. Lũ liên tục dâng cao, nước sông Nhật Lệ, Kiến Giang thét gào nuốt chửng làng mạc ở Quảng Bình.
Đội quân phóng viên 5 người được Ban Biên tập điều động lên đường, với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, niềm đam mê với nghề, chúng tôi đã có chuyến tác nghiệp vượt qua gian khổ.
Sinh ra ở vùng chiêm trũng, quá quen với cảnh “chạy lũ”, và có chút ít kinh nghiệm nên tôi mặc nhiên làm “sếp” lãnh đạo nhóm. Sau khi chia ra để có thể ghi nhận tổng thể, đa dạng, tôi cùng phóng viên Trọng Tài ngồi ké thuyền người dân vào tâm lũ Lệ Thủy.
Giữa biển nước, thuyền bị hỏng máy, lượng nhu yếu phẩm nhiều cùng cân nặng của con người, thuyền lắc lư theo sóng vỗ, nguy cơ chìm cao, trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
May thay, người lái thuyền là ngư dân lão luyện nên việc khắc phục, xử lý sự cố nhanh. Ấm lòng trở lại, lũ rút, chúng tôi được Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn và Phó Tổng Biên tập Phùng Công Sưởng động viên, cho rút lui nghỉ ngơi.
Khoảng 2 ngày sau đợt lũ, bão số 9 trực chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam, tôi nhận lệnh di chuyển nhanh vào tâm bão tác nghiệp. Giữa tiếng rít gào, cuồng nộ của cơn bão, người dân cả nước bàng hoàng nhận tin dữ về vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) khiến 11 ngôi nhà bị vùi lấp, 55 người chết và mất tích.
Cấp tốc vào Trà Leng, mệnh lệnh được đưa ra, tôi và phóng viên Nguyễn Thành lên đường. Đây có lẽ là chuyến tác nghiệp ám ảnh nhất mà tôi đã trải qua. Gian khổ là lẽ thường đối với phóng viên chiến trường nhưng nơi đó, tôi tận thấy nỗi đau tột cùng của sự mất mát, người chiến sỹ quặn thắt lòng, tay cào bùn tìm đồng bào dưới lớp bùn, đá hoang lạnh kia.
Là một thành viên trong gia đình Tiền Phong, với tôi đó là niềm hạnh phúc. Không chỉ được học nghề, tôi còn được học cách sẻ chia, đó là những chuyến thiện nguyện về bản nghèo miền sơn cước, góp sức xây dựng những ngôi nhà ấm cúng cho người yếu thế, góp phần kết nối nhịp cầu vượt lũ.
Tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa là một trải nghiệm đặc biệt, mang lại một cảm xúc sâu đậm. Được nhìn Tổ quốc thiêng liêng từ biển cả quê hương, hai lần đến Trường Sa, Nhà giàn DK1 là sự may mắn của tôi.
Trước chuyến đi đầu, Phó Tổng Biên tập Lê Minh Toản nói “Đi để trưởng thành”, và chuyến tác nghiệp giúp tôi mở mang, tích lũy, đa dạng vốn sống với nghề phóng viên.
Nếu có thể, tôi xin thêm nhiều lần được đến Trường Sa, đến những đảo chìm, đảo nổi, Nhà giàn, nơi những chiến sỹ hải quân kiên trung bám biển, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ. Nghe tiếng gió, tiếng sóng quyện vào thành bản nhạc bất tận đưa lời hát của những em thơ trên quần đảo vang vọng giữa trùng dương.
Tâm người Tiền Phong
Rong ruổi 9 năm theo Trưởng Ban đại diện Trần Quang Long trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh giúp tôi hiểu hơn về chữ Tâm của người Tiền Phong.
Tháng 4/2021, sau chuyến công tác ở huyện biên giới Kỳ Sơn, chúng tôi bàn với Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An Lê Văn Lương “Nên xây dựng một cây cầu giúp các em an toàn tới trường mùa mưa lũ”.
Ý tưởng được lãnh đạo hai đơn vị đồng thuận, cuộc phát động kêu gọi được tiến hành. Xúc động khi những em học sinh đập lợn tiết kiệm gom góp tiền ủng hộ, những cửu vạn dành dụm tiền công góp viên gạch, thanh sắt cho nhịp cầu yêu thương kịp nối trước mùa mưa.
Trước đó, hàng chục ngôi nhà giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo đã được báo khâu nối, xây dựng ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngày khởi công cũng như hôm khánh thành 3 cây cầu dân sinh do báo Tiền Phong, Sở GD&ĐT Nghệ An, Tỉnh Đoàn Nghệ An kêu gọi ở huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong, các đoàn công tác do Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn, Phó TBT Lê Minh Toản, anh Phùng Công Sưởng, anh Vũ Tiến dẫn đầu đã băng vượt hàng trăm cây số đường rừng đến chung vui, chia sẻ với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Rồi những buổi giao lưu, trao quà của Ban Biên tập với các bác thương, bệnh binh nặng, cựu TNXP, những lời ca các bác gửi tặng khiến chúng tôi nghẹn ngào; phía miền Trà Lân, đó tâm tình Chôm Lôm hơn 15 năm nay vẫn còn nguyên vẹn…