Tới năm 2030 có 60% lao động tham gia Bảo hiểm xã hội

Nghị quyết 42-NQ/TW của Trung ương đặt mục tiêu, tới năm 2030, có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), trên 95% dân số tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT).

Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Nghị quyết 42 xác định mục tiêu tổng quát, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin.

Cùng đó, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Cán bộ BHXH tới từng nhà, gặp từng người vận động tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.

Về phát triển BHXH, BHYT, Nghị quyết 42 đặt mục tiêu, tới năm 2030 có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; có 45% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp; trên 95% dân số tham gia BHYT.

Nghị quyết cũng xác định, tới năm 2030, sẽ có 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Cùng đó, có trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả.

Để đạt các mục tiêu trên, Nghị quyết 42 đặt ra một số giải pháp, chú trọng phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống BHXH, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật.

Đổi mới chính sách BHXH, nghị quyết đặt giải pháp, có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia.

Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân; đa dạng các gói dịch vụ BHYT nhằm góp phần chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT; ban hành chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia; quản lý an toàn, hiệu quả Quỹ BHXH, BHYT.

Sửa đổi chính sách BHXH một lần phù hợp với thực tiễn, gắn với an sinh xã hội. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để duy trì việc làm bền vững; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp; nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thất nghiệp.

BHXH Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 17,5 triệu người tham gia BHXH, chiếm hơn 37,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.