'Cha đẻ' Vườn thực vật Hà Nội:
Tôi đau như chính mình bị xẻ thịt
> Vườn thực vật có nguy cơ bị “xẻ thịt”
Ông Nguyễn Khánh Xuân (79 tuổi), Viện phó Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, là người gắn bó lâu năm với cây rừng (giảng viên môn cây rừng, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Lâm nghiệp T.Ư1, cựu Phó Tổng Giám đốc Cty Giống Cây trồng T.Ư), là người chủ trì ý tưởng xây dựng Vườn Thực vật Hà Nội, tổ chức thiết kế và tham gia chỉ đạo thi công.
Năm 2009, trong một hội thảo đánh giá kiểm kê các loại thực vật trong Vườn thực vật, ông Xuân cảnh báo: “Vườn thực vật đang có xu hướng lấy nhiệm vụ dịch vụ làm chính”.
Theo quan điểm của ông Xuân, nhiệm vụ chính của vườn là nghiên cứu khoa học. Các dịch vụ thư giãn sinh thái, du lịch chỉ là nhiệm vụ phụ trợ để duy trì và phát triển vườn. Thời điểm đó, nhiều đại biểu trong hội thảo đánh giá cao sự phát triển của Vườn Thực vật Hà Nội khi cây cối phát triển tốt.
“Nhiều cây quý hiếm đã ra hoa, kết trái như: trám nâu, gụ, gõ, linh xanh, nhọc lá to, mũ nhà chùa (loại cây chỉ mọc ở độ cao trên 600m so với mực nước biển và trong rừng hiện rất hiếm), phượng tím (mang về từ Mexico)... Vườn này là công trình đầu tiên của Việt Nam từ sau năm 1945”, ông Xuân nói.
Khi Vườn Thực vật Hà Nội đối mặt nguy cơ phải nhường đất cho dự án bất động sản, ông Xuân nói: “Luật Đa dạng sinh học có quy định trong điều 7, công trình bảo tồn đã hình thành thì cấm xâm phạm. Hơn nữa, tỷ lệ cây xanh ở Hà Nội đang ở mức thấp (4m2/đầu người), trong khi quốc tế người ta đã 8m2 cây xanh/đầu người; việc hình thành Vườn thực vật ở Thủ đô vừa tạo nơi vui chơi giải trí xanh mát, vừa giáo dục ý thức môi trường sinh thái... Nay “xẻ thịt” là thể hiện tư duy ngắn của người tham tiền, không thấy mục tiêu lâu dài. Nhiều nhà khoa học khác khi biết chuyện cũng liên lạc với tôi thể hiện sự đau lòng trước sự việc”.
Theo ông Xuân, nếu biết làm kinh doanh, treo biển tên khoa học cho cây thì có thể thu hút được khách quốc tế đến tham quan, như cách mà Vườn Bách thảo đã biết lấy dịch vụ để duy trì sự phát triển.
“Cũng quy mô, tính chất gần như nhau, nhưng Vườn Thực vật Côn Sơn-An Phụ ở Hải Dương cũng lấy dịch vụ nuôi vườn phát triển tốt. Mà ở đấy, điều kiện làm dịch vụ không thể bằng ở Hà Nội” - ông Xuân bức xúc.
Trong một văn bản Sở KH&ĐT Hà Nội gửi các ban ngành liên quan để lấy ý kiến về hướng xử lý Vườn Thực vật Hà Nội, có đoạn viết: đã đánh giá rõ Vườn Thực vật: “Cơ bản số cây còn đầy đủ và phát triển bình thường. Vì vậy, việc di chuyển Vườn Thực vật đi nơi khác để lập dự án Đô thị sinh thái cần được xem xét, phân tích kỹ trên mọi góc độ”.