Bởi ông từng giữ chức Giám đốc NXB Văn hóa - Thông tin nhiều năm. Ông Bùi Việt Bắc nói về "khó khăn lớn nhất" của các nhà xuất bản hiện nay:
- Khó khăn lớn nhất chính là cơ chế thị trường. Tất cả các NXB chịu sự chi phối của thị trường đều khó khăn. Nhà sách tư nhân có những thế mạnh của họ mà mình không đua được. Ngành xuất bản hiện nay đã xã hội hoá cao, tư nhân tham gia vào rất sâu trong nhiều lĩnh vực.
Thu nhập của NXB hiện nay chủ yếu từ kinh doanh sách và xuất bản phẩm. Sách tự làm thì thiếu vốn, không có cửa hàng, phải đi ký gửi với chiết khấu 45%. Cả gốc cả lãi một cuốn sách là 55% giá bìa, trong thời gian thu hồi vốn là một năm thì còn lãi được bao nhiêu?
Sách liên kết thì chỉ thu được quản lý phí thôi. Mình còn thua tư nhân ở khâu nắm bắt thị trường. Họ nắm bắt thị trường rất nhanh nhạy, chủ động in nhanh, in giá rẻ. Nói chung, tư nhân có nhiều cách để cạnh tranh với mình.
Nhưng cơ chế thị trường cũng là một điều kiện để các NXB vượt thoát khỏi tư duy làm sách theo kiểu bao cấp trì trệ, để cạnh tranh và phát triển?
Cơ chế thị trường bắt buộc mình phải vận động, năng động hơn. Mặt tích cực này có tác động và làm cho NXB thay đổi. Đây chính là mặt tích cực nhất của cơ chế thị trường đến các NXB. Nhưng trong cơ chế này, các NXB thay đổi không phải dễ.
Vốn ít là khó khăn bao trùm lên tất cả. Bây giờ muốn phát hành sách tốt, phải có danh mục sách đủ mạnh. Muốn có danh mục sách đủ mạnh thì phải có bản quyền. Nhà sách tư nhân đã cho thấy họ có nhiều sách bản quyền hơn nhiều NXB.
Trung bình chi phí cho một cuốn sách có bản quyền trong nước thì phải bỏ khoảng 40 triệu đồng. Như vậy, 100 cuốn sách phải bỏ 4 tỷ đồng. Rất ít NXB có thể bỏ ra 4 tỷ đồng để làm 100 cuốn sách. Mà ngay cả 100 cuốn sách thì cũng chưa ăn thua gì.
Thưa ông, nhà nước đầu tư, tài trợ cho NXB mỗi năm bao nhiêu tiền? Có ý kiến cho rằng, đầu tư cho sách vài chục tỷ mỗi năm đã cho là nhiều trong khi số tiền ấy cũng chưa chắc đã đủ làm một cái mố cầu của ngành giao thông?
Câu hỏi này nếu hỏi Cục Xuất bản thì chính xác hơn. Theo tôi được biết hiện tại số tiền nhà nước đặt hàng sách và số tiền Nhà nước cấp sách cho Thư viện mỗi năm chưa được 20 tỷ đồng. Đầu tư cho ngành xuất bản như vậy còn qúa ít.
Nhà nước đã có gần 60 nhà xuất bản, thêm một nhà xuất bản Thời Đại nữa có là nhiều không, thưa ông?
Nhà xuất bản Thời Đại là nhà xuất bản thứ 56. Sắp tới sẽ có thêm một số nhà xuất bản mới nữa. Tôi nghĩ số lượng như vậy là không nhiều và đúng với chủ trương của Đảng về phát triển ngành xuất bản. Tôi được biết đặc khu hành chính Hồng Kông- Trung Quốc dân số ít hơn Việt Nam nhiều mà có tới hành nghìn NXB cơ mà.
Có nhà sách tư nhân đã từng in lên sách của mình câu “mua sách giả là giết chết sách thật". Nhưng sách giả, sách lậu vẫn cứ lan tràn và đẩy nhiều NXB vào cảnh lao đao. Chống sách lậu khó vậy sao?
Chống sách lậu rất khó. Muốn chống sách lậu phải họp các bộ ngành liên quan mới ra được chế tài. Cái đó thì chậm mà thị trường thì vận hành nhanh. Sách lậu in rất nhanh.
Có khi hôm nay sách mới ra thì hôm sau đã có sách lậu. Sách lậu không phải chi phí bản quyền, nhuận bút…cho nên rẻ hơn nhiều. Bắt sách lậu thì phải nhờ đế các cơ quan chức năng. Mà mình thì không phải thủ trưởng của họ, nên... khó lắm.
Ông nói nhà sách tư nhân giỏi nắm bắt thị trường, chạy theo thị trường, tại sao NXB lại không làm được điều đó?
Các NXB cũng nắm bắt được thị trường, chỉ có điều là thua tư nhân. Tính thị trường của của sách do tư nhân làm rất cao. Họ không có nhiệm vụ chính trị như các NXB nên dễ chạy theo thị trường. Trong khi đó, NXB mà chạy theo thị trường thì dễ bị "thổi còi".
Ông có sợ bị “thổi còi”?
Sợ. Bất cứ Giám đốc NXB nào cũng sợ bị thổi còi. Bất cứ Giám đốc nào NXB nào cũng muốn làm ăn nghiêm chỉnh vì đơn giản giám đốc là người chịu trách nhiệm trước chủ quản từ việc lớn đến việc bé. Tôi nghĩ chẳng ai thích bị phê bình cả. NXB Thời Đại mới thành lập nhưng tôi đã từ chối 50 bản thảo rồi, vì những vấn đề như bản quyền, nội dung... Nhưng không phải lúc nào và bản thảo nào mình cũng nhận thức được hết…
Xin cảm ơn ông!
Phùng Nguyên
Thực hiện