TKV và các 'chiêu' tự hại mình - kỳ 1

TP - Năm 2001, ông Đoàn Văn Kiển khi đó là Tổng Giám đốc Tổng Cty Than Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng. Tám năm sau, ông Kiển lại bị kỷ luật cảnh cáo Đảng khi ở cương vị Chủ tịch TKV.

>> Ông Đoàn Văn Kiển nói gì?

Người thợ mỏ trực tiếp sản xuất than ở độ sâu hàng chục mét này khó mà biết than do mình sản xuất sẽ được bán giá ra sao (Trong ảnh: Khai thác than tại hầm lò ở Cty than Hòn Gai)  - Ảnh: Hồ Sỹ Hoài

Lần trước, ông bị kỷ luật do TKV có những sai phạm về trả nợ nước ngoài, giá xuất khẩu than và sai phạm trong đầu tư. Lần này, theo kết luận mới đây của Kiểm toán Nhà nước, những sai phạm ấy gần như vẫn lặp lại và nảy sinh nhiều sai phạm mới.

Kỳ 1  : Ban phát giá bán than

Những năm gần đây, TKV luôn có những kiến nghị với Chính phủ để được bán than cho  các khách hàng nội địa theo giá thị trường, kể cả đối với bốn hộ lớn là giấy, phân bón, xi măng và điện. Chỉ như vậy mới hạn chế được tiêu cực, tham nhũng từ giá bán và xuất lậu than, vừa để tránh thiệt hại cho chính TKV.

Tuy nhiên, trên thực tế, giá bán than của TKV cho khách hàng rất khác nhau, không có giá thống nhất với từng loại than (trừ bốn hộ lớn là điện, xi măng, giấy và phân bón).

Có những khách hàng không nằm trong diện ưu tiên giá bán của Chính phủ, nhưng vẫn được TKV ưu tiên giá bán.

Ví dụ như năm 2007, TKV bán than cho Tổng Cty Lắp máy Việt Nam chạy thử dây chuyền sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí hơn 154.500 tấn với giá bán thấp hơn giá thị trường hàng chục triệu đồng. Hay như bán cho Ban Quản lý Dự án xi măng Cẩm Phả - Tổng Cty Vinaconex trên 6.100 tấn với giá ưu đãi, làm TKV mất khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành giữa Bộ Công thương và TKV, một số đơn vị được TKV bán theo giá ưu đãi đã sử dụng than này để sản xuất mặt hàng khác ngoài sản xuất điện, xi măng, phân bón và giấy.

Như tại Cty Cổ phần Xi măng & Xây dựng Quảng Ninh, năm 2007 - 2008 than mua giá ưu đãi của TKV được bán lại cho Cty Cổ phần Gốm Xây dựng Thanh Sơn, để Cty này sản xuất gốm, với số lượng trên 3.700 tấn than cám 4a, hưởng giá chênh lệch hàng trăm triệu đồng.

Cũng liên quan giá bán than, TKV bán than cho các đơn vị nội bộ (là thành viên của TKV) cũng thấp hơn giá thị trường. Cty TNHH Một thành viên Công nghiệp Mỏ Việt Bắc (gọi tắt là Cty Việt Bắc) là đầu mối tiêu thụ than để cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn.

Theo quy định, giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện là 228.000 đồng/tấn nhưng đơn vị đã thực hiện bán than theo quy chế bán nội bộ với giá chỉ 206.000 đồng/tấn, thấp hơn 22.000 đồng/tấn.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, do cơ chế điều hành tập trung nên việc tiêu thụ than trong nước thực hiện qua quá nhiều khâu trung gian giữa các đơn vị thành viên, dẫn đến việc phản ánh giá thành tiêu thụ than chưa phù hợp, phát sinh các chi phí ở nhiều khâu tiêu thụ trung gian, làm giảm lợi nhuận ở các đơn vị khai thác (trực tiếp sản xuất than) mà tập trung lợi nhuận về Cty mẹ.

Chẳng hạn như Cty Việt Bắc được tập đoàn ủy quyền ký hợp đồng bán than (do Cty than Na Dương khai thác) cho Cty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn. Nhưng thực tế, Cty Việt Bắc đã bán than qua Cty Cảng & Kinh doanh Than Cẩm Phả với giá 416.000 đồng/tấn.

Sau đó, Cty này lại bán cho Cty Cổ phần Sản xuất & Kinh doanh Vật tư Thiết bị (Cty con của Cty Việt Bắc) với giá 480.000 đồng/tấn. Tổng số tiền chênh lệch qua các khâu trung gian trong thương vụ này lên đến trên 2,3 tỷ đồng.

Ưu đãi vốn vay

Với các đơn vị thuộc tập đoàn không chỉ được ưu đãi giá bán than mà còn được ưu đãi cả vốn vay. Đặc biệt, TKV cho các đơn vị thành viên vay với lãi suất bằng không hoặc thấp hơn nhiều lần so với lãi suất vay vốn trên thị trường, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn trong năm 2007 khoảng gần 18 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán năm 2007 cho thấy, tổng số tiền TKV cho các đơn vị thành viên vay (lãi suất chỉ 1,2%/năm, trong khi lãi suất vay trên thị trường lúc đó là 0,75%/tháng, tương đương 9%/năm) đến 31/12/2007 là trên 215 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu cho các đơn vị thành viên vay để mua xe, nâng cấp sửa chữa đường, xây dựng hội trường khách sạn...

Theo Kiểm toán Nhà nước, trong số những công ty được TKV cho vay vốn ưu đãi có khá nhiều Cty cổ phần, dẫn đến một phần lợi nhuận của nhà nước bị chuyển ra cho các cổ đông bên ngoài.

Theo kết quả kiểm toán, phần lãi suất chênh lệch (từ việc được vay ưu đãi) chuyển ra cho các cổ đông bên ngoài khoảng trên ba tỷ đồng.

Cũng trong năm 2007, TKV còn cho nhiều đơn vị thành viên vay vốn hàng chục tỷ đồng để mua xe, sửa chữa đường, đầu tư thiết bị với lãi suất bằng không.

Theo một chuyên gia trong ngành than, việc có quá nhiều giá bán than (trong đó có giá bán ưu đãi) là kẽ hở lớn cho tiêu cực, tham nhũng có đất sống. Còn với việc bán than trong nội bộ lòng vòng qua quá nhiều khâu trung gian, vô hình trung, TKV tạo ra con số doanh thu khống.

Bởi một lượng than hàng hoá nhưng được chuyển thành doanh thu của nhiều công ty. Mặt khác, với cách làm này, giống như miếng bánh khi bị chia nhỏ, sẽ xảy ra hiện tượng rơi vãi nhiều hơn.

Còn nữa