Có trường hợp một bạn tuổi teen gọi điện đến trung tâm tư vấn thổ lộ rằng mình đã yêu một người là… bạn của bố và không biết làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này.
Cô gái này tâm sự: “Chú ấy là giáo viên dạy cùng trường với bố em. Tuần nào chú ấy không đến nhà em chơi là em cảm giác như thiếu một cái gì đó. Em tìm mọi lí do để qua nhà chú ấy, dù chỉ là để… nhìn chú ấy thôi cũng được.
Có hôm không qua được thì em gọi điện hỏi chú ấy một vấn đề gì đó mà em tự nghĩ ra. Chú ấy giỏi lại ân cần lắm nên thường giảng giải cho em cả tiếng đồng hồ khi nào em hiểu bài mới thôi. Em rất… yêu chú ấy nhưng càng nghĩ càng thấy mình sai...”.
Chắc sẽ có nhiều phụ huynh giật mình khi biết tâm sự này của con gái. Các nhà chuyên môn gọi đó là mặc cảm eđip tức là con gái thường thích bố hoặc những người gần giống hình tượng bố mình, còn con trai thường thích mẹ hoặc những người gần giống với mẹ của mình. Trong thực tế có nhiều chàng trai chọn bạn gái có tính cách giống mẹ.
Nguyễn Hạnh (Đại học Ngoại thương Hà Nội) quê ở Bắc Kạn, có vẻ ngoài đằm thắm của một cô gái miền sơn cước đã hút hồn không biết bao chàng trai, thế nhưng cô lại rơi trúng lưới tình của người đàn ông đã có gia đình.
Đó là tình yêu đầu đời của Hạnh. Người yêu Hạnh là giám đốc Cty, anh kể với Hạnh rằng, anh không được hưởng hạnh phúc gia đình một cách trọn vẹn, không muốn nhắc đến tên vợ anh.
Thế nên hai người có một thỏa thuận ngầm rằng khi ở bên nhau sẽ không nói đến gia đình anh. Hạnh tin anh tuyệt đối và đã không ít lần muốn đề cập đến vấn đề ly hôn của anh. Hạnh muốn đến nhà để nói với vợ anh rằng hãy buông tha cho anh ấy, không có tình yêu thì sẽ không thể hạnh phúc được.
Nhưng chưa kịp nói thì bất ngờ một lần cô nghe được cuộc điện thoại của anh với một chị đồng nghiệp. Anh kể rằng anh đã phải vất vả như thế nào, tiêu tốn thời gian như thế nào để tự mình chọn mua bằng được cho vợ một bộ váy vào sinh nhật trong khi quà sinh nhật anh tặng Hạnh là một bức điện hoa.
Cả ngày mồng tám tháng ba anh nói phải họp cơ quan không đến với Hạnh được nhưng thực ra là anh đang hạnh phúc trong mái ấm của mình. Anh tự tay nấu những món ăn mà vợ thích trong khi Hạnh cô đơn trong căn phòng trọ.
Hạnh chợt hiểu ra rằng số kiếp của một người tình là số kiếp khổ nhục, chui lủi và giấu giếm. Nếu có nhận được tình cảm thì cũng là thứ tình cảm rơi vãi, làm sao sánh được với gia đình của người ta.
Những tháng ngày sau đó Hạnh đã phải vật lộn với chính mình để quên được anh, quên được mối tình đầu của cô. Không biết bao nhiêu đêm cô lặng lẽ khóc thầm, bao nhiêu đêm cô chờ những hồi chuông quen thuộc nhưng rồi lại vô vọng.
Hạnh đã lang thang không biết bao con đường chỉ để tìm quên. Phải dặn lòng mình khá nhiều để không gặp lại người cũ. Sau này khi tỉnh táo lại Hạnh tự nhủ rằng đàn ông có vợ dù có là vĩ nhân cũng sẽ không bao giờ là đối tượng tình yêu của mình…
Vẫn biết con tim có lí lẽ riêng của nó. Tình yêu là vô tội nhưng chẳng lẽ tranh giành một người đã thuộc về người khác cũng là vô tội sao? Những cô gái yêu đàn ông có vợ chỉ nhìn thấy những ưu điểm của họ như thành đạt, phong độ và có địa vị…
Họ tự cho rằng mình có thể thay thế vợ anh ta, sẽ mang lại hạnh phúc cho anh ta… Nhưng họ đã nhầm. Đừng bao giờ tin vào những lời có cánh của đàn ông có vợ rằng: “Giá mà mình gặp nhau sớm hơn…”.
Đừng bao giờ nghĩ rằng, sự níu kéo, ràng buộc gia đình khiến anh ta không thể bỏ vợ để đến với bạn được bởi đó chỉ là hão huyền mà thôi. Gia đình anh ta chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn cảm xúc, nhan sắc và sự trẻ trung của bạn…
Đừng bào chữa theo kiểu “Tình yêu có lý lẽ riêng…”
|
Chúng ta thường có thói quen bào chữa cho tình yêu bế tắc, không định hướng hoặc sự buông thả cảm xúc của mình bằng câu “Tình yêu có lý lẽ riêng của nó”. Nhưng khi hỏi đó là “lý lẽ gì?”, thì … chịu.
Đành rằng những người đàn ông có vợ là đáng yêu (vì thế mới có người phụ nữ lấy anh ta làm chồng!), nhưng tại sao lại cứ nhất định phải yêu người đó chứ không phải ai khác?
Lẽ nào trong hơn 40 triệu đàn ông VN, không có ai xứng đáng là “một nửa” của mình, mà chỉ có “người đó”? Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng có thể ví những bạn gái yêu và kiên quyết chỉ yêu người đàn ông có vợ giống như một người chưa có xe máy, thấy xe máy nhà hàng xóm đẹp, tìm cách “mượn tạm” hay “ăn trộm” của người ta. Hậu quả thế nào, chắc ai cũng biết.
Hơn nữa, hạnh phúc như một tấm chăn hẹp, kẻ này kéo một ít về phía mình, sẽ có kẻ khác bị hở lạnh ở phía kia. Làm sao có thể xây hạnh phúc trên nỗi bất hạnh của người khác được.
Tất nhiên, để sự việc đi quá xa, quá sâu, thì khắc phục hậu quả là khó khăn. Vì vậy cần có định hướng từ xa, xác định đúng với lòng mình rằng “đói không ăn vụng, túng chẳng làm liều” từ khi chưa… thực sự nhập cuộc.
Dương Mai Hương (Lớp V8, Đại học Văn hóa Hà Nội): Lý trí vẫn phải dẫn đường cho trái tim
|
Tình yêu ngoài luồng thường đưa đến những kết quả tiêu cực mà người gánh chịu không ai khác chính là “người thứ ba”.
Điều này hầu như ai cũng ý thức được thế nhưng tránh được nó thì phải có bản lĩnh. Mình nghĩ trong tình yêu vẫn phải có lý trí để dẫn đường cho trái tim.
Lê Huyền (Đại học Văn hóa Hà Nội): Cảm thông nhưng phản đối
|
Tôi nghĩ chẳng ai lại muốn mình đi yêu người đã “ yên bề gia thất”, và cũng chẳng ai muốn mình là nguyên nhân của sự tan vỡ một gia đình.
Yêu trong sự lén lút, dằn vặt và hổ thẹn thì không hạnh phúc bền lâu.
Tôi cảm thông cho những người “không may” sa vào tình yêu đó, nhưng tôi không cổ súy cho kiểu tình yêu ngoài chồng ngoài vợ này.
Quỳnh Phương (Trường viết Văn Nguyễn Du): Đó là con đường dẫn tới sai lầm
|
Không kể đến những mối tình lợi dụng thì phần lớn là các cô gái đều tìm thấy ở họ một bờ vai vững chắc, một chỗ dựa về tinh thần đáng tin cậy.
Ngay như mình khi tiếp xúc với những người đàn ông thành đạt và biết săn sóc vợ con mình cảm thấy rất ngưỡng mộ họ và mình cũng ao ước có được một người đàn ông như thế.
Mặc dù rất thông cảm với các bạn đang ở trong hoàn cảnh yêu trớ trêu nhưng mình vẫn phản đối tình yêu kiểu này. Mình mong rằng các bạn gái trẻ luôn sáng suốt để tránh những sai lầm đáng tiếc trong tình yêu.