Tình trùng yếu có phải do ngồi nhiều?

Tôi 27 tuổi, chồng 35 tuổi, kết hôn 2 năm và chưa có con. Chúng tôi đi khám, bác sĩ kết luận anh xã bị yếu tinh trùng.

Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của chồng tôi: Số lượng ít, chất lượng kém, tỷ lệ tiến nhanh dưới 25%, tinh trùng loãng, tỷ lệ A=0. Chồng tôi phải trực máy, nhận thông tin liên tục, phải trực đêm, ngồi nhiều… Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản của anh ấy không? Nhờ bác sĩ tư vấn cho chúng tôi hướng điều trị và khả năng vợ chồng tôi có thai tự nhiên được không? (Thủy)

Ảnh minh họa: Bbc.co.uk.

Trả lời

Chào bạn,

Sau hai năm lập gia đình, quan hệ đều đặn và không dùng phương pháp ngừa thai nào mà vẫn chưa có thai thì cả hai cùng nên đi khám hiếm muộn và vô sinh. Theo tiêu chuẩn mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì thời gian khuyến cáo này hiện tại là một năm và nếu người vợ trên 35 tuổi thì sau 6 tháng nên đi khám rồi.

Tần số quan hệ của hai bạn, chu kỳ kinh nguyệt của người vợ ra sao, tiền sử bệnh tật trước đây ra sao... đều là những yếu tố rất quan trọng mà các bác sĩ chuyên về nam khoa và hiếm muộn phải hỏi và khám thật kỹ lưỡng. Thông tin về tinh trùng đồ bạn cung cấp quá ít chi tiết, không đủ cho bác sĩ có thể nhận định một cách chính xác (vì còn rất nhiều thông số đi kèm). Ngoài ra, các xét nghiệm về nội tiết tố nam giới: Testosterone, LH, FSH trong máu cùng với siêu âm màu vùng bìu cũng cho bác sĩ một cái nhìn trực diện hơn trong việc tìm ra nguyên nhân khó có con hoặc không thể có con…

Có lẽ hai vợ chồng bạn, nếu quyết tâm có con, phải bớt chút công việc và đến với bác sĩ càng sớm càng tốt để việc tầm soát tìm nguyên nhân và khắc phục sớm, giúp việc có con của hai bạn trở nên dễ dàng hơn. Việc nhận thông tin, trực đêm, ngồi nhiều… như bạn nêu không làm tinh trùng chết; nhưng thức đêm, ngồi nhiều kèm với nhậu thường xuyên, sau một thời gian chất cồn có thể ảnh hưởng lên khả năng sống còn của tinh trùng và lúc này thật sự là có ảnh hưởng.

Ngoài ra những bệnh lý về giãn tĩnh mạch tinh, viêm tinh hoàn - mào tinh, tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn, teo tinh hoàn, tiền sử quai bị… có thể ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động tạo tinh trùng và cần phải được loại trừ khi vợ chồng bạn gặp bác sĩ.

Mong bạn mau chóng có kết quả tốt đẹp khi bắt đầu biết đầu tư cho thế hệ sau.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn
Trưởng khoa niệu - nam khoa, Bệnh viện quốc tế Thành Đô

Theo VnExpress