> Cần kê khai tài sản vợ con quan chức
Công tác lâu năm trong lĩnh vực xây dựng Đảng, ông nhìn nhận thế nào về việc Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 vị trí do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp lần này?
Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Đây là lần đầu tiên việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức quy mô như vậy.
“Với người được đánh giá, phải trình bày thật kỹ trong bản báo cáo của mình và phải luôn trong tinh thần sẵn sàng mong được đánh giá đúng và sẵn sàng cung cấp những tư liệu để ĐBQH đánh giá đúng”.
Ông Vũ Quốc Hùng
Yêu cầu cao của hoạt động này là làm thế nào những người đại diện cho nhân dân (ĐBQH-PV) đánh giá được đúng hoạt động của các chức danh chủ chốt ảnh hưởng đến đất nước, đến nhân dân.
Những người làm việc cho dân cho nước thì phải được những người đại biểu của dân đánh giá, xếp loại. Đánh giá càng chính xác bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu! Hoạt động này thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng ngày một vững mạnh.
Mục tiêu là tốt đẹp như vậy, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để đánh giá chính xác được từng chức danh, đây hẳn là việc khó?
Tôi nghĩ rằng trước tiên, nhân dân mong mỏi ở các ĐBQH, những người tham gia bỏ phiếu cho 47 chức danh, phải luôn có ý thức khách quan, công tâm và trách nhiệm. Những người này phải tìm hiểu kỹ, nắm đầy đủ thông tin để đánh giá cho đúng.
Bởi các đại biểu tuy gặp nhau các kỳ họp nhưng không phải lúc nào cũng ở bên nhau để đánh giá được hết mọi mặt theo các yêu cầu đặt ra.
Với người được đánh giá, phải trình bày thật kỹ trong bản báo cáo của mình và phải luôn trong tinh thần sẵn sàng mong được đánh giá đúng và sẵn sàng cung cấp những tư liệu để ĐBQH đánh giá đúng. Nếu có sai sót, hạn chế thì sửa, nếu có mặt tốt thì phải biết phát huy hơn nữa.
Hiện các ĐBQH đã nhận được báo cáo của các vị trí sẽ được lấy phiếu. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng những báo cáo đó vẫn nặng kể về thành tích, không theo tiêu chuẩn thống nhất, dẫn đến có báo cáo dày hàng chục trang, nhưng có báo cáo lại chỉ có đôi ba trang. Dư luận lo ngại với hàm lượng thông tin không đồng đều như vậy sẽ có ảnh hưởng chất lượng của các lá phiếu?
Cách đây một tháng, tôi đọc trên báo phản ảnh lại cảm nghĩ của một số ĐBQH khi họ nhận được những bản tự đánh giá của 47 chức danh. Các ĐBQH cũng phản ảnh người thì nói ngắn quá, người thì nói dài quá, người thì chủ yếu kể lể, liệt kê những công việc làm được.
Tôi không biết đến nay những bản báo cáo chưa đạt yêu cầu đã được chỉnh sửa chưa. Nhưng về mặt tổ chức cần rút kinh nghiệm, nếu chưa có thì cần phải có hướng dẫn rất cụ thể để mọi người trình bày vấn đề của mình đảm bảo các tiêu chí đặt ra theo đề cương, bố cục thống nhất để những ĐBQH dù không có điều kiện tiếp xúc cũng hiểu được người mình bỏ phiếu làm được gì, chưa làm được gì, những thế mạnh, những yếu kém, những ưu, khuyết điểm...
Tính trung thực của người trình bày báo cáo và người bỏ phiếu lúc này là cần thiết hơn lúc nào hết.
Cảm ơn ông!
Phùng Sưởng- Mỹ Hằng
thực hiện