Tình nguyện viên Nhật Bản ở Việt Nam

TP - Không ít chàng trai, cô gái trẻ trung, xinh đẹp, có trình độ học vấn của đất nước Mặt trời mọc, đã sẵn sàng tạm biệt cuộc sống sung túc ở xứ sở hoa Anh đào, để đến làm việc tại không ít vùng quê còn khó khăn của Việt Nam.
Tình nguyện viên Sanjou Noriyuki (người đeo khẩu trang) đang chăm sóc bệnh nhân (Ảnh do JICA cung cấp).

Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo về chuyên môn, nữ hộ lý Matsumoto Aki có sáu năm làm việc tại Khoa Nhi một bệnh viện ở tỉnh Saitama. Chưa dừng lại, cô tiếp tục học nâng cao, đi sâu tìm hiểu tình hình y tế những vùng xa của Nhật Bản. Cô chuyển đến làm việc tại bệnh viện công lập Yaeyama của tỉnh Okinawa.

Không lâu sau, với mong ước được hiểu hơn về một thế giới bên ngoài, cô viết đơn xin làm Tình nguyện viên Hợp tác hải ngoại (JOCV) của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đến Việt Nam, làm hộ lý tại Bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang.

Vùng đất mới Việt Nam, nơi nữ hộ lý Matsumoto làm tình nguyện viên, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, vật chất tiện nghi không được đầy đủ như ở quê hương cô. Nhưng chuyến trải nghiệm tại mảnh đất phương Nam này, Matsumoto thấy mình yêu cuộc sống hơn, nhất là mong ước giản dị - sống có ích của cô đang thành hiện thực. Nữ hộ lý người Nhật đang cùng đồng nghiệp tại địa phương hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Bốn tháng đầu tiên, dù còn nhiều bỡ ngỡ khi sống ở miền đất lạ, nhất là khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, nhưng Matsumoto đã nỗ lực để làm tốt công việc của một nữ hộ lý cấp cứu nhi khoa. Tiếp đó, cô lần lượt đến làm hộ lý tại phòng trẻ sơ sinh, phòng sinh, hậu sản, khu hậu phẫu. Hơn một năm nay, Matsumoto làm việc tại phòng khám sức khỏe cho thai phụ.

Khi thăm khám cho một số sản phụ, Matsumoto ước ao, giá mà có cuốn Sổ tay mẹ và bé để theo dõi. Điều cô mong muốn đã thành hiện thực khi tháng Tư năm ngoái Sổ tay mẹ và bé bắt đầu được sử dụng tại bốn huyện trong tỉnh. Cô và các đồng nghiệp hướng dẫn các thai phụ đến nhận sổ tay tại các trạm y tế của làng, xã.

Cô GOTO Saori (người đeo kính) đang chăm sóc một bệnh nhân cao tuổi (Ảnh do JICA cung cấp).

Trong chuyến đến những vùng giáp biên giới Campuchia, nơi có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống, Matsumoto đã giới thiệu cuốn Sổ tay mẹ và bé của mình mà cô đã mang từ Nhật Bản sang. Một bà mẹ trẻ người Việt nói: “Khi con tôi lớn lên, sổ tay này sẽ thành vật kỷ niệm của nó, giống như trường hợp Aki vậy”.

Thích tìm hiểu văn hóa, con người Việt Nam, những ngày rảnh rỗi Matsumoto thường đến thăm nhà các người bạn, đồng nghiệp vùng sông nước này.

Cô khiêm tốn nói: “So với những bác sĩ, y sĩ, hộ sản tôi không có đủ kiến thức chuyên môn về sản khoa như họ. Tuy nhiên, tôi luôn ý thức về sự liên kết giữa nhiều người ở những vị trí khác nhau, liên kết giữa nhiều bộ phận trong bệnh viện, về trách nhiệm nghề nghiệp, về khả năng quan sát và đánh giá của một hộ lý. Và tôi cũng rất biết ơn, vì mỗi khi có vấn đề xảy ra, tôi trao đổi với các đồng nghiệp và luôn nhận được những ý kiến đa dạng và nhận được sự hợp tác từ họ”.

Nam kỹ thuật viên vận động trị liệu Kuroda Yutaka, đã có hơn một năm làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tỉnh Lâm Đồng. Trước khi đến vùng đất cao nguyên này, anh có bảy năm rưỡi là kỹ thuật viên vận động trị liệu của một Trung tâm dành cho người khuyết tật tại Nhật Bản.

“Ngoài việc hướng dẫn các động tác trị liệu cho người khuyết tật, tôi còn tham gia vào việc thành lập mới các tổ chức, cơ sở vật chất cho người khuyết tật, và làm giảng viên bán thời gian cho trường học ở gần đó”, Kuroda kể.

Lần đầu đến cao nguyên Lâm Đồng, Kuroda nói rất ấn tượng về phong cảnh nơi đây. Anh thích thú ngắm nhìn những quả đồi bạt ngàn cây chè, cà phê. Thời tiết thì quanh năm dễ chịu, mát mẻ. Nơi Kuroda làm tình nguyện viên là bệnh viện trọng yếu khu vực này. Kuroda là kỹ thuật viên phục hồi chức năng cho cả người lớn và trẻ em.

Hàng ngày, mỗi lần đón bệnh nhân, Kuroda cùng đồng nghiệp xác nhận nội dung tập luyện, giúp người bệnh được trị liệu theo một phương pháp hiệu quả nhất, phục hồi chức năng nhanh nhất. Nhiều bệnh nhân do bất đồng ngôn ngữ ban đầu họ không hiểu nhiều về Kuroda, nhưng với sự nhiệt tình, chu đáo và thân thiện trong chăm sóc trị liệu, anh rất được nhiều người yêu quý.

Kuroda nói, những lần trị liệu cho bệnh nhân là người dân tộc thiểu số, bệnh nhân nghèo anh rất đồng cảm và thường có ý nghĩ - mong muốn nhiệm kỳ tình nguyện viên của mình nơi đây được dài hơn, chứ không phải chỉ có hai năm.

Đến tháng sáu năm 2013, Tình nguyện viên Sanjo Noriyuki tròn hai năm làm điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa khu vực Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Sanjo năm nay 30 tuổi, tốt nghiệp khoa điều dưỡng tại Đại học quốc tế Hiroshima.

Anh đã làm việc tại các khoa như Cấp cứu, Hồi sức cấp cứu, hay Hồi sức tích cực tại một bệnh viện lớn của Nhật Bản và đã có được các kiến thức cũng như kinh nghiệm cần thiết để có thể xử lý được các tình huống cấp cứu. Sanjo cũng từng làm việc tại Bệnh viện Kita Hiroshima - khá nổi tiếng của Nhật Bản.

Tuy là điều dưỡng nam, nhưng Sanjo đã can đảm xin vào làm việc tại khoa Sản của bệnh viện Kita Hiroshima. Tuy không trực tiếp đỡ đẻ, nhưng sau một năm làm việc tại đây, Sanjo đã học được các kiến thức cần thiết về việc chăm sóc, hướng dẫn cho các bà mẹ trước và sau sinh, đồng thời anh cũng học được phương pháp chăm sóc thích hợp dành cho trẻ sơ sinh.

Là người ham học hỏi, Sanjo cũng rất chịu khó chia sẻ các kiến thức của mình cho các nhân viên mới. Anh từng đưa ra những phương pháp để các đồng nghiệp bệnh viện có thể làm việc được an toàn hơn, hiệu quả hơn, bệnh nhân được hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn. Làm việc trong điều kiện môi trường có nhiều thiếu thốn tại một tỉnh còn nghèo của Việt Nam, Sanjo nhận thấy có một số lãng phí.

Anh đề xuất các ý kiến cải tiến, như phương pháp hấp tiệt trùng các dụng cụ y tế để có thế dùng lại thay vì dùng một lần rồi vứt đi, từ đó giảm tiền viện phí cho bệnh nhân, hoặc các phương pháp bảo quản máy móc để có thể kéo dài tuổi thọ… Sanjo đã cùng các đồng nghiệp trong khoa Hồi sức cấp cứu của mình cứu sống được rất nhiều bệnh nhân nặng.

Chung niềm khát khao, có một ngày được chia sẻ những kiến thức mình thu nhận được tại Nhật Bản tới cộng đồng nơi mình đến, cô gái Goto Saori, sinh năm 1985 đã nộp đơn đề đạt nguyện vọng được làm tình nguyện viên hải ngoại lên Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA.

“Đây là cơ hội để tôi ứng dụng những kinh nghiệm và kiến thức mình thu nhặt được giúp đỡ cho mọi người. Cũng là cơ hội để tôi thử thách”, chị nói.

Trước khi đến Việt Nam, Goto có kinh nghiệm sáu năm làm hoạt động trị liệu cho bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh não, ung thư… tại Bệnh viện Đại học Hiroshima, Nhật Bản. Đặc biệt, cô đã tham gia vào nhóm DBS (Điều trị bằng cách kích thích các nhân sâu trong não) cho các bệnh nhân Parkinson, đánh giá và áp dụng hoạt động trị liệu cho các bệnh nhân đó trước và sau phẫu thuật.

Goto Saori là tình nguyện viên chuyên ngành hoạt động trị liệu thứ hai, được JICA cử đến công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang. Với tính cách cởi mở, Goto đã hòa nhập được một cách nhanh chóng vào cuộc sống dân dã của người dân vùng sông nước miền Tây.

Tại khoa Phục hồi chức năng - nơi cô làm việc, mọi người cũng đã quen với hình ảnh một cô gái người Nhật Bản nhỏ nhắn hay nói hay cười, nhưng chăm chỉ làm việc. Khả năng nói tiếng Việt của Goto rất khá, có thể giao tiếp, hướng dẫn các bệnh nhân tập luyện. Sự thân thiện của cô được các bệnh nhân rất quý mến. Có bệnh nhân bị đột quỵ đã ra viện được mấy năm, nhưng nghe chuyện “cô Saori” đang hoạt động trị liệu một cách rất hiệu quả, đã nhờ người nhà đưa trở lại bệnh viện chữa trị tiếp.

Bà Võ Thị Mười Hai, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang nói: “Hoạt động trị liệu vẫn còn là một loại hình mới mẻ trong điều trị phục hồi chức năng ở Việt Nam. Với kỹ thuật, kiến thức và lòng nhiệt tình của mình, tình nguyện viên JICA như Goto Saori đã giúp nhiều bệnh nhân nhanh chóng trở lại với sinh hoạt hàng ngày”.

GOTO Saori - Hộ lý Bệnh viện đa khoa Tiền Giang (bên phải - Ảnh do JICA cung cấp).

Cuộc sống sẽ có ích hơn, nếu biết giúp đỡ người khác

Chị Nguyễn Hoàng Linh - cán bộ Văn phòng JICA tại Việt Nam, cho biết: “Ở Nhật Bản có rất nhiều thanh niên mong muốn đem năng lực, kinh nghiệm của mình cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế ở những nước đang phát triển của châu Á, châu Phi, Trung Nam Mỹ, Trung Cận Đông... JOCV có nhiệm vụ phái cử những thanh niên đầy nhiệt huyết này đến các nước đó.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA đã cử hơn 400 Tình nguyện viên đến công tác tại Việt Nam ở các lĩnh vực: giáo dục, y tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn, môi trường, phát triển công nghiệp phụ trợ…

Những ngày cuối năm Nhâm Thìn, hơn 60 tình nguyện viên JICA là giảng viên tiếng Nhật, giáo viên mầm non, cán bộ phát triển nông thôn, kỹ thuật viên vườn cảnh, nữ hộ sinh, y tá, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bác sỹ dinh dưỡng… đang làm việc trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam đã có cuộc hội ngộ ấm áp tại thủ đô Hà Nội. Những chàng trai, cô gái đến từ đất nước Mặt trời mọc này, nhiều người có trình độ học vấn là Thạc sỹ, hoặc cao hơn, và đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại quê hương mình.

Được JICA phái cử đến vùng sâu, vùng xa Việt Nam, họ cùng người dân trải nghiệm cuộc sống, khi nhiều người trực tiếp sinh sống trong một số nhà của người dân - Điều này càng thôi thúc các tình nguyện viên có quyết tâm hơn trong việc hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế và cuộc sống.

Nhiều Tình nguyện viên JICA nói rất giỏi tiếng Việt. Bởi đối với họ, nếu không nói được tiếng Việt sẽ không hiểu được nhu cầu, nguyện vọng của người dân nên sẽ không hỗ trợ được người dân. “Cuộc sống sẽ có ích hơn, nếu chúng ta biết giúp đỡ người khác và có trách nhiệm hơn với cuộc sống của chính mình”, nữ hộ lý có nụ cười rạng rỡ GOTO Saori - Bệnh viện đa khoa Tiền Giang, chia sẻ.

Theo Báo giấy