Tình huống pháp lý xoay quanh vụ người đàn ông bị ‘tra tấn’ trên tàu cá

TPO - Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, việc giám định tỷ lệ thương tật đối với các nạn nhân để làm cơ sở xử lý vụ án là rất cần thiết; cho dù vết thương đã lành thì vẫn có thể tiến hành giám định.

Liên quan đến clip người đàn ông bị ‘tra tấn’ trên tàu cá, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, qua xem xét báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, các nạn nhân thực tế đã có hậu quả thương tích.

Mặc dù qua làm việc, cả anh T.V.T (47 tuổi, ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) và anh Lê Văn B (30 tuổi, quê huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) không yêu cầu xử lý hình sự nhưng với hậu quả thương tích như trên thì cơ quan công an khi tiếp nhận thông tin trình báo phải tiến hành đưa đi giám định tỷ lệ thương tật theo quy định.

Hình ảnh các nạn nhân bị 'tra tấn' bằng kìm lan truyền trên mạng xã hội.

Bởi, các anh T, anh B là những người làm công cho chủ ghe, trong khi đó con của chủ ghe là người trực tiếp gây thương tích đối với nạn nhân. Khi đi biển, các anh T, B hoàn toàn lệ thuộc vào tài công về vật chất, về tinh thần nên nạn nhân không thể tự mình bảo vệ trên biển và đến khi về đến đất liền mới trình báo công an.

Luật sư Lễ lý giải thêm: “Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên thì bị xử lý theo tội hành hạ người khác”.

Vấn đề đặt ra là sau nhiều tháng không giám định, nếu các vết thương đã lành thì còn giám định tỷ lệ thương tật được không?, luật sư Lễ cho hay, việc giám định đối với yêu cầu “tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ” là giám định bắt buộc theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự tại Điều 206, nên dù vết thương đã lành thì vẫn có thể tiến hành giám định để làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Đối với trường hợp bị hại từ chối giám định thì sẽ bị dẫn giải, áp giải đi giám định theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự tại điểm b khoản 2 Điều 127 quy định về “áp giải, dẫn giải”.

Cụ thể, dẫn giải có thể áp dụng đối với “người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan…”.

Như Tiền Phong đưa tin, vụ việc xảy ra trên tàu cá số hiệu BT 97993-TS, do bà Phạm Thị Hà (tên thường gọi bà Năm Bộ) làm chủ. Trong các nghi can đánh các nạn nhân có con trai của bà Hà là Nguyễn Công Toàn (34 tuổi, tên thường gọi là To); Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi).

Liên quan vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cũng đã khởi tố để điều tra vụ án hành hạ người khác. Hiện, 3 người tham gia hành hạ vẫn chưa vào bờ và hứa chậm nhất ngày 21/11.