Tin nhắn cuối cùng của kẻ giả mạo trên MH370

Nam thanh niên Iran dùng hộ chiếu giả cho biết, anh vẫn "an toàn" trong dòng trạng thái cuối cùng trên mạng xã hội, trước khi chuyến bay MH370 mất tích.
Nourmohammadi trong bức ảnh đăng tải hôm 4/3 trên Facebook. Ảnh: Facebook

Dòng trạng thái cập nhật cuối cùng mà Pouria Nourmohammadi đăng trên trang Facebook cho thấy anh an toàn và "thấy háo hức". Nam thanh niên Iran 19 tuổi có lý do để cảm thấy vậy: anh đang trong chặng đầu tiên của chuyến bay sẽ đưa anh tới Đức. Đó sẽ là nơi mẹ anh đang chờ để giúp anh bắt đầu cuộc sống mới. 

Nhưng hành trình của anh đột ngột bị đứt quãng. Chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines biến mất cùng 239 người khi đang trên đường đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh sáng 8/3. Gần 4 ngày sau, giới chức chưa thấy dấu hiệu nào của chiếc Boeing 777-200, dù một chiến dịch tìm kiếm lớn của ít nhất 9 quốc gia đang diễn ra. 

Nourmohammadi trước đó gợi ý rằng anh sẽ có một chuyến đi dài để đổi đời. "Vì một số vấn đề tôi sẽ hủy tài khoản của tôi. Các bạn, tôi nói nghiêm túc, nếu tôi đã làm bất cứ điều gì gây hại đến các bạn, hãy tha thứ cho tôi bởi vì có thể...", anh viết trên Facebook hôm 24/2.

Mãi tới khi Nourmohammadi bắt đầu đăng ảnh anh tại những điểm nổi tiếng ở Malaysia như tháp đôi Petronas, một số người bạn mới biết anh đã rời Iran."Vậy cậu đi rồi ư? Cậu liệu sẽ quay lại chứ?", một người viết hôm 4/3. "Không", Nourmohammadi trả lời. 

Việc hai người Iran bị phát hiện lên máy bay Malaysia bằng hộ chiếu ăn cắp làm dấy lên nghi ngờ về một vụ khủng bố hay bắt cóc. Tuy nhiên, giới chức hôm qua không đề cao giả thiết này. Ông Ronald Noble, Tổng thư ký Interpol, nói Nourmohammadi  và Seyed Hamid Reza Delavar, 29 tuổi, "có thể không phải khủng bố". 

Ông Khalid Abu Bakar, lãnh đạo lực lượng cảnh sát Malaysia, hôm qua cũng cho biết ông tin nam thanh niên đang cố làm một người tị nạn ở châu Âu. Ông đưa ra tuyên bố sau khi liên lạc với mẹ của Nourmohammadi ở Frankfurt, Đức. 

Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn cùng những giới hạn về tự do xã hội ở quê nhà, một số thanh niên Iran quyết định thực hiện những chuyến đi liều lĩnh. Nhiều người phải áp dụng các biện pháp trái luật, thường liên quan đến đường dây buôn người. 

Nourmohammadi rời Iran bằng hộ chiếu chính thức của anh, nhưng rõ ràng đã dùng một hộ chiếu ăn cắp khi đến Kuala Lumpur. Cách đây vài tuần, trang Facebook của Nourmohammadi dường như giống như của bất cứ thanh niên 19 tuổi nào khác. Nó có những bài đăng về xe ôtô, các cô gái, những đoạn video giới trẻ trêu đùa về những người quyền thế. Nhưng càng gần lúc anh rời Iran, những bài đăng trở nên bí hiểm hơn, sự vui tươi của tuổi trẻ nhòa dần.  

Nourmohammadi biết anh đang thực hiện một phi vụ liều lĩnh: anh kêu gọi bạn bè cầu nguyện cho anh vào đêm anh rời đi. Sau khi đi qua điểm kiểm tra hộ chiếu của Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, anh đăng dòng tin nhắn: "Cám ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho tôi, tôi an toàn rồi". 

Khi thông tin anh ở trên chuyến MH370 rộ lên, những bình luận bắt đầu đổ vào trang Facebook của anh. "Giá mà anh ấy lại đăng chính tin nhắn đó một lần nữa", Tannaz Nasr hôm qua bình luận trên dòng chữ "Tôi an toàn" của Nourmohammadi. 

"Tôi đang chờ một điều kỳ diệu", Shaqayeq GT hôm nay bình luận. 

"Tôi không biết, nhưng tôi ước từ sâu thẳm trái tim rằng anh sẽ trở lại với gia đình anh", Vahid Ajami viết.

Một số người bình luận nói rõ rằng họ coi Nourmohammadi là một nạn nhân. "Nếu con không còn ở trên thế giới này nữa, thì cuối cùng con cũng được tự do, con trai... Những kẻ buộc con phải rời quê nhà là những kẻ khốn kiếp", Mojgan Shahnazi viết bình luận trong bức ảnh chụp Nourmohammadi trước tháp đôi Petronas. 

Theo Trọng Giáp

Theo VnExpress