Hà Nội:

Tin học 10, bộ sách Cánh Diều, được lựa chọn giảng mẫu

Môn Tin học được chọn làm tiết giảng mẫu đầu tiên bởi đây là môn học không có trong danh sách thi đại học nhưng lại được học sinh lựa chọn nhiều thứ 2 – 68,8%, chỉ sau môn Vật lý – 72% - ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Thảo luận trực tuyến tại buổi sinh hoạt.

Ngày 22/2, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức chuyên đề sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề “Đánh giá năng lực phát triển của học sinh trong bài dạy” tại trường THPT Bắc Thăng Long, Hà Nội. Buổi sinh hoạt được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của hơn 200 điểm cầu. Mở đầu là tiết dạy mẫu của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trưởng bộ môn Tin học của nhà trường) cùng với 36 em học sinh lớp 10A1. Chủ đề A mở đầu học kỳ II (bài 3, 4 – SGK Tin học lớp 10 – Bộ sách Cánh Diều) được lựa chọn để làm bài giảng mẫu thông qua dự án học tập. Trong buổi học, 3 học sinh đại diện 3 nhóm lần lượt trình bày sản phẩm bức tranh của mình với chủ đề Tin học trong phát triển kinh tế xã hội: Ngôi nhà thông minh, Công viên công nghệ Zura và Bệnh viện thông minh.

Học sinh trình bày dự án tại tiết dạy mẫu

Cô Hằng xây dựng dự án Bức tranh chủ đề tin học trong phát triển kinh tế xã hội với mục đích là hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu bài học dựa trên các học liệu điện tử mà giáo viên cung cấp. Đồng thời cho các em phát triển năng lực bản thân để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn của mình, thể hiện ý tưởng và sáng tạo của mình trong việc vận dụng kiến thức cơ bản.

Sau khi tiến hành dạy mẫu, trình bày về mục đích của bài giảng, cô Hằng chia sẻ, việc xây dựng dự án nhằm giúp học sinh tự nghiên cứu bài học dựa trên học liệu điện tử mà giáo viên cung cấp. Đồng thời, cho các em phát triển năng lực để tạo ra sản phẩm mang dấu ấn của mình. Thông qua việc tự xây dựng sản phẩm và đánh giá sản phẩm của học sinh, cô Hằng cũng nhận thấy ngoài kiến thức, các em còn có thể đánh giá, nhìn nhận vấn đề liên quan đến khoa học, thực tiễn.

Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng

Cô Hằng chia sẻ thêm, cô chọn SGK Cánh Diều vì có nội dung tường minh, kiến thức nền tốt, vừa khái quát lại vừa có chiều sâu. Về chuyên đề ứng dụng thì sách đã mô tả rất kỹ tiến trình tổ chức dạy học dự án. Ngoài ra, nội dung sách viết rất hay, phù hợp với việc đưa vào giảng dạy và để các con tự học, tự nghiên cứu. Các nội dung trong sách bóc tách ra từng hoạt động riêng biệt, có tính ứng dụng cao. Từ đó, học sinh có thể tự nghiên cứu ở nhà được, hoặc có thể áp dụng vào để xây dựng cho học nhóm, thêm những ý tưởng sáng tạo, phát triển năng lực phẩm chất của mình. Học liệu điện tử giúp giáo viên thu về kiến thức cơ bản ban đầu, có thể cho học sinh tự học ở nhà, lên lớp không phải nhắc nhiều về kiến thức nữa.

Sau khi dự giờ giảng mẫu, ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, học sinh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học, đó là không phải học để đi thi, mà học để có kỹ năng. Việc dạy học, đổi mới theo hướng phát triển tư duy, năng lực của học sinh là hết sức cần thiết.

Đại diện trường THPT Liên Hà nhận xét đây là giờ dạy thành công, xác định đúng mục tiêu, nổi bật được bức tranh tin học. Phương pháp dạy mở, có hình thức phù hợp, chú trọng cho học sinh tự học trải nghiệm. Việc đánh giá học sinh có tổ chức tốt, được đánh giá thường xuyên, công bằng, có tập trung khai thác hỗ trợ kiểm tra đánh giá. Qua các phần thuyết trình của học sinh, cho thấy các em đã nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu bài, tự tin thoải mái khi học nhóm. Các em biết vận dụng, biết phối hợp làm việc cùng nhau khi làm việc nhóm. Đó là tiêu chí theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đại diện trường THPT Yên Hòa, học sinh đã được phát huy các năng lực tin học trong tiết học. Đặc biệt, việc kiểm tra đánh giá rất được chú trọng trong tiết học mẫu. Các nhóm nhận được đánh giá từ quá trình làm việc đến báo cáo sản phẩm. Các nhóm vừa được cô đánh giá, lại vừa đánh giá lẫn nhau. Tất cả đều có hướng dẫn chấm điểm rõ ràng, giúp học sinh bám sát các tiêu chí.

Đại diện trường THPT Đan Phượng phát biểu rằng đây là tiết học rất thành công, bởi các em học sinh phải rất hiểu bài thì mới có thể tạo ra những dự án mang tính sáng tạo cao. Giúp các em tạo ngày một sáng tạo hơn, đó chính là điều chúng ta nên hướng tới trong chương trình đổi mới giáo dục 2018.

TS. Nguyễn Chí Trung, Trưởng bộ môn Phương pháp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời cũng là tác giả sách Tin học 10 Cánh Diều chia sẻ: “Cô giáo dạy đúng chương trình, khai thác, sử dụng SGK một cách sáng tạo, đạt được mục tiêu đề ra. Học sinh thì sử dụng được các thiết bị số và dễ hiểu bài. Giáo viên đã thực hiện đánh giá đúng, khá hiệu quả phương pháp quan sát, đánh giá dựa trên sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý hơn về cấu trúc, giáo viên nên nói rõ mục đích của buổi học, hướng dẫn đánh giá”. Về quá trình đánh giá, đánh giá liên tục và thường xuyên là rất quan trọng với dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Giáo viên vững chuyên môn và vững phương pháp.

TS. Nguyễn Chí Trung - Trưởng bộ môn Phương pháp Trường ĐHSP Hà Nội, tác giả sách Tin học 10 bộ sách Cánh Diều.

Theo thầy Trung, việc hướng dẫn đánh giá cho học sinh là rất quan trọng để các em nắm rõ mục đích và lợi ích của dự án. Ngoài ra, trong quá trình dạy giáo viên cần làm rõ từng khái niệm, nhất là những khái niệm mới xuất hiện trong quá trình chuyển đổi số hiện nay.

Em Nguyên Hạo (lớp 10A1, trường THPT Bắc Thăng Long): Bài học trong sách Cánh Diều hôm qua rất vui và thú vị. Nếu có nhiều tiết học như này thì chúng em sẽ phát triển thêm được nhiều kỹ năng, nhiều ý tưởng trong tương lai, lấy đó làm ước mơ của bản thân.

Em Ngọc Ánh (lớp 10A1, trường THPT Bắc Thăng Long): Để xong được dự án trên, nhóm 8 người chúng em phải mất gần 1 tuần để chuẩn bị. Em thấy vui hơn khi học nhóm vì được tương tác nhiều hơn, hiểu nhau hơn. Học chương trình mới trên sách Cánh Diều dễ hiểu hơn chương trình cũ vì chúng em có thể phát triển được nhiều kỹ năng của bản thân hơn bằng cách sử dụng công nghệ số, làm việc nhóm…