Tin đồn Jack Ma 'bị cưỡng chế' khiến giá cổ phiếu Alibaba lao dốc

TPO - Tin đồn Jack Ma – người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) bị “cưỡng chế hình sự” đã khiến giá cổ phiếu của công ty này lao dốc.

Jack Ma. Ảnh: Reuters

Tỷ phú Jack Ma gần như không xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi Bắc Kinh đưa các công ty của ông vào tầm ngắm hồi cuối năm 2020. Tỷ phú Jack Ma đã rời khỏi hội đồng quản trị của Alibaba vào năm 2020, và không còn chịu trách nhiệm điều hành.

Nhưng sáng 3/5, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin cảnh sát thành phố Hàng Châu – nơi đặt trụ sở tập đoàn Alibaba – “đã thực hiện biện pháp cưỡng chế hình sự với một người họ Ma từ ngày 25/4 do bị tình nghi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Các biện pháp cưỡng chế có thể bao gồm bắt giữ hoặc tại ngoại. Cơ quan an ninh cũng đang điều tra vụ việc, truyền thông nhà nước cho biết.

Bản tin ngắn gọn gồm vỏn vẹn 86 chữ không cung cấp nhiều thông tin chi tiết, nhưng vẫn đủ khiến các nhà đầu tư lo sợ. Nhiều người cho rằng nhân vật được đề cập là Jack Ma, tên tiếng Trung là Ma Yun.

Sau khi thông tin này được công bố, giá cổ phiếu của Alibaba tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã giảm 9,4% vào đầu phiên giao dịch, khiến giá trị vốn hóa "bốc hơi" 26 tỷ USD, theo Bloomberg.

Một tờ báo chính thống khác – Hoàn cầu Thời báo – sau đó đăng tải báo cáo trích dẫn các nguồn giấu tên cho biết họ của nhân vật được đề cập có tới 2 ký tự tiếng Trung, trong khi họ của Jack Ma trong tiếng Trung chỉ có 1 ký tự. Người này sinh năm 1985, trẻ hơn người sáng lập Alibaba khoảng 20 tuổi, và được xác định là giám đốc nghiên cứu – phát triển phần cứng của một công ty công nghệ thông tin.

Điều đó dường như đã xoa dịu phần nào nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư. Cổ phiếu của Alibaba đã tăng sau báo cáo của tờ Hoàn cầu Thời báo, và kết thúc ngày giao dịch tại Hồng Kông với mức giảm chỉ 0,83%.

Sự biến động dữ dội trong giá cổ phiếu của Alibaba cho thấy các nhà đầu tư công nghệ đã trở nên nhạy cảm hơn với các động thái từ Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào các công ty công nghệ và tăng cường giám sát bảo mật dữ liệu. Cùng lúc đó, các công ty công nghệ của Trung Quốc cũng đang “vật lộn” để lôi kéo người dùng chi tiêu nhiều hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang hạ nhiệt.

Theo Business Insider