Trong hình ảnh bản kỹ thuật số của miệng núi lửa này ta có thể thấy màu đỏ chiếm chủ đạo. Điều đó có nghĩa là lượng nhiệt phát ra từ miệng núi lửa này rất cao. Theo ước lượng của các nhà khoa học, miệng núi lửa này có bản kính khoảng 70 km và sâu 1.800 mét
Từ lâu các nhà khoa học đã tiên đoán trên sao Hỏa tồn tại những siêu núi lửa với lịch sử hàng tỷ năm nhưng hình ảnh về bề mặt của hành tinh này không cung cấp bằng chứng đầy đủ và rõ ràng như họ mong đợi.
Những nghiên cứu mới cho rằng các nhà khoa học đã xác định sai mục tiêu tìm kiếm. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nature cho rằng một số ít thành tạo địa chất trên sao Hỏa vốn được các nhà cho là miệng hố hình thành sau va chạm hóa ra là siêu núi lửa. Chúng trông không giống như những ngọn núi, nói đúng hơn, chúng hình thành khi bề mặt bị sụp xuống sau những vụ nổ lớn.
Joseph Michalski – người dẫn đầu nhóm tác giả của Viện Khoa học Hành tinh Tucson Arizona và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia London nói: “Đây thực sự là một phát hiện bất ngờ mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới và nó thay đổi cách nhìn nhận của chúng tôi về quá trình tiến hóa của hành tinh này”.
Ông cũng cho biết thêm những vụ phun trào núi lửa có thể xảy ra cách đây 3,5 tỷ năm và đại diện cho những vụ nổ lớn nhất trong lịch sử phát triển của sao Hỏa.
Các nhà khoa học đã tổng hợp dữ liệu từ nhiều tàu vũ trụ như Mars Express, Mars Reconnaissance Orbiter, Mars Global Surveyor và Mars Odyssey. Dữ liệu thu thập thú vị và đặc biệt hấp dẫn các nhà khoa học là miệng núi lửa Eden Patera. Núi lửa này đặc biệt vì không hề có những đặc điểm của một hố va chạm. Thay vào đó, nó giống như một miệng núi lửa trên Trái Đất đã sụp đổ từ bên trong. Các nhà khoa học tin rằng Eden Patera là ví dụ điển hình cho một siêu núi lửa cổ đại trên sao Hỏa.
Khi nghĩ về núi lửa, chúng ta thường hình dung trong đầu một hình nón nhô ra từ mặt đất như Mauna Loa ở Hawaii – một ví dụ điển hình của núi lửa dung nham. Nhưng Eden Patera và các siêu núi lửa khác trên sao Hỏa không giống như vậy. Chúng đại diện cho địa chất, địa tầng và địa hình của sao Hỏa.
Eden Patera và các siêu núi lửa khác có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với Olympus Mons - núi lửa hình khiên trên sao Hỏa có kích thước tương đương với tiểu bang Arizona và núi lửa lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, trong khi Olympus Mons phun trào nham thạch, các siêu núi lửa này có chứa năng lượng lớn hơn nhiều, chúng sản sinh ra vật chất, nguyên liệu trên khắp hành tinh.
Chúng ta hãy làm một phép so sánh, núi lửa Mount St.Helens trên Trái Đất phun trào năm 1980 sản sinh ra 1 kilomet khối nhiên liệu trên tiểu bang Washington và khu vực xung quanh. Các siêu núi lửa trên sao Hỏa có thể sản sinh ra khối nguyên liệu gấp 1.000 lần Mount St.Helens.
Những siêu núi lửa như Eden không hề giống như những núi lửa trên Trái Đất, từ quá trình hình thành đến lúc phun trào. Các núi lửa trên Trái Đất hình thành sau những trận động đất do sự chuyển động của dòng magma.
Khi những dòng magma nóng đến nhiệt độ nhất định sẽ sinh ra bong bóng gây áp lực lên địa hình, khiến bề mặt bắt đầu chuyển động và chuẩn bị cho sự bùng nổ sau cùng: Một vụ nổ lớn. Những trận động đất với cường độ ngày càng cao hơn đã dấn đến những vụ nổ lớn hơn từ bên trong mặt đất.
Những vụ nổ như vậy sản sinh ra lượng tro lớn vào bầu khí quyển, tạo ra nhiều nhiệt và khí đốt. Gió sẽ mang lớp tro này đi và một lượng lớn lớp tro này rơi xuống tạo thành lớp vật liệu trên trái đất, lượng còn lại được lưu giữ trong bầu khí quyển.
Vậy cơ chế hoạt động của những siêu núi lửa trên sao Hỏa này có giống núi lửa trên Trái Đất không? Câu trả lời vẫn đang chờ đợi các nhà khoa học.
Việc nghiên cứu quá trình hình thành, cơ chế hoạt động của những siêu núi lửa này sẽ giúp các nhà khoa học có thêm thông tin về bầu khí quyển sao Hỏa và giải thích các đặc tính địa chất của hành tinh này cũng như tác động của núi lửa phun trào đối với bầu khí quyển của sao Hỏa và Trái Đất.
Các nhà khoa học cần thêm thời gian để thu thập dữ liệu và nghiên cứu, tính toán chu kỳ hoạt động của những siêu núi lửa này để có thể đưa ra kết luận cuối cùng và cũng là kết luận quan trọng nhất: Sao Hỏa có thể là Trái Đất thứ hai cho con người sinh sống hay không?
Cũng giống như sự sôi sục của dòng nham thạch, các cuộc thảo luận giữa các thành viên của cộng đồng các nhà khoa học nghiên cứu sao Hỏa sẽ tiếp tục sôi sục trong thời gian tới.
Phương Thảo
Theo CNN