Úc

Tiết lộ bí mật thương vụ mua tàu ngầm 39 tỷ USD

Ngày 26/4, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Man-côm Tơn-bun (Malcolm Turnbull) đã chính thức công bố Pháp là nước thắng thầu giành hợp đồng đóng 12 tàu ngầm mới cho nước này, trị giá 50 tỷ AUD (tương đương 39 tỷ USD).
Tàu ngầm lớp Collins của Ô-xtrây-li-a sẽ sớm được thay thế. Ảnh: lemonde.fr.

Quyết định trên đã gây ngỡ ngàng cho cả Nhật Bản và Đức, hai đối thủ tiềm năng trong cuộc đua giành quyền đóng tàu ngầm cho Can-bê-ra. Trong số báo ra ngày 27/4, tờ Le Monde của Pháp đã tiết lộ lý do vì sao Pa-ri lại giành chiến thắng ngoạn mục đến như vậy.

Chiến dịch bí mật

Trong hơn hai năm qua, mua sắm tàu ngầm là một trong những hồ sơ lớn của Ô-xtrây-li-a. Sau khi lên nắm quyền năm 2013, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a khi đó là ông Tô-ni A-bót (Tony Abbott) đã hướng sang Nhật Bản, đề nghị người đồng cấp Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) cung cấp tàu ngầm cho Can-bê-ra. Các phương tiện truyền thông Ô-xtrây-li-a khi đó từng tiết lộ một thỏa thuận bí mật giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a. Tiết lộ này được đưa ra đúng thời điểm người Đức cũng đang nỗ lực quảng bá tàu ngầm của mình, sẵn sàng chế tạo tại chỗ và có thể tạo ra từ 5.000 đến 7.000 công ăn việc làm trực tiếp cũng như gián tiếp cho Ô-xtrây-li-a.

Trong khi đó, tại Pa-ri, không ai tin rằng Pháp có cơ may giành được cơ hội trong cuộc cạnh tranh này, ngoại trừ Chủ tịch Tập đoàn quốc phòng DCNS (Pháp) Éc-vê Gui-u (Hervé Guillou) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Giăng Y-vơ Lơ Đri-ăng (Jean-Yves Le Drian). Trong một cuộc gặp hồi tháng 11/2014, ông Lơ Đri-ăng đã đề cập tới việc bán tàu ngầm cho Can-bê-ra với người đồng cấp Ô-xtrây-li-a nhưng không nhận được câu trả lời.

Trở về Pa-ri, Bộ Quốc phòng Pháp đã quyết định tiến hành một chiến dịch quảng bá tàu ngầm tương tự như từng làm với loại máy bay Rafale. Các doanh nghiệp quốc phòng như DCNS, Thales, Tổng cục Vũ khí (DGA), các chuyên gia Bộ Quốc phòng và đại diện của Hải quân, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a đã nhóm họp tại Pháp trong suốt 15 ngày liền.

Tháng 2/2015, cuộc đua mua sắm tàu ngầm chính thức bắt đầu. Thủ tướng Tô-ni A-bót, người ủng hộ hợp tác với Nhật Bản, cuối cùng cũng mở cánh cửa cho các doanh nghiệp quốc phòng của Đức và Pháp. Tuy nhiên, khi đại diện của ông Tô-ni A-bót tới Pháp, người này đã không để lại cho Pa-ri một tia hy vọng nào.

Mỹ, đồng minh chiến lược của Ô-xtrây-li-a, cũng theo sát cuộc đua này do Oa-sinh-tơn sẽ cung cấp hệ thống vũ khí cho những chiếc tàu ngầm tương lai. Có thông tin cho rằng, Mỹ thích hợp tác với Nhật Bản hơn một nước nào đó ở châu Âu. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A-stơn Các-tơ (Ashton Carter) ngày 6/7/2015 ở Oa-sinh-tơn, ông Lơ Đri-ăng đã được bảo đảm rằng, người Mỹ sẽ đứng trung lập trong vụ đấu thầu này.

Tháng 9/2015, cuộc cạnh tranh mới thực sự bắt đầu sau khi ông Man-côm Tơn-bun lên làm Thủ tướng thay ông Tô-ni A-bót. Ông Man-côm Tơn-bun đã đồng ý cho phép các nhà thầu có hai tháng chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Hai nhà thầu Nhật Bản là Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Shipbuilding Corporation, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, đã công khai việc đăng ký dự thầu trên báo chí.

Tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức cũng tiến hành chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Đức cũng như cá nhân Thủ tướng An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel). Trong khi đó, DCNS của Pháp lại quảng bá theo cách của riêng mình bằng việc đưa ra khẩu hiệu: “Chiếc tàu ngầm tiên tiến nhất mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy”. Sau đó là những chuyến công du con thoi giữa Pa-ri và Can-bê-ra của các bộ trưởng, quan chức quốc phòng và doanh nghiệp quốc phòng Pháp. Đến tháng 2/2016, có những tín hiệu le lói cho thấy, Pháp có thể thắng trong cuộc đua trang bị tàu ngầm cho Ô-xtrây-li-a. 

Ban đầu, Chính phủ Ô-xtrây-li-a dự kiến công bố kết quả đấu thầu vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, do cuộc bầu cử ở Ô-xtrây-li-a sẽ được tổ chức vào tháng 7 nên việc thông báo kết quả đấu thầu được quyết định sẽ công bố sớm hơn.

Gần tới thời hạn mới, Pháp và Ô-xtrây-li-a đã đưa ra những đề xuất nhượng bộ của mình. Mọi thứ đều được tiến hành thận trọng và bí mật được giữ kín. Trên chuyến bay từ Ai Cập trở về hôm 18/4 vừa qua, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (François Hollande) và Bộ trưởng Lơ Đri-ăng đã trao bức thư tay gửi Thủ tướng Man-côm Tơn-bun. Một tuần sau, ngày 25/4, Can-bê-ra chính thức tuyên bố lựa chọn Pa-ri. "Đây là thế hệ tàu ngầm hải quân hiện đại nhất đang được xây dựng trên thế giới và nó sẽ được đóng tại Ô-xtrây-li-a với công nhân, vật liệu của chúng ta", ông Man-côm Tơn-bun nhấn mạnh. Trong khi đó, Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ đã gọi đây là “hợp đồng lịch sử” giữa hai nước.

Giành chiến thắng nhờ ưu thế vượt trội 

Vì sao Pháp lại giành thắng lợi ngoạn mục đến như vậy? Tờ Le Monde lý giải, Đức là một trong ba quốc gia đề xuất chế tạo tàu ngầm cho Ô-xtrây-li-a. Tập đoàn TKMS của Đức chào hàng Ô-xtrây-li-a bằng loại tàu ngầm đa năng hai tầng HDW lớp 216, chạy bằng đi-ê-den - điện. Tuy nhiên, TKMS lại không chấp nhận việc thiết kế tàu ngầm có trọng tải 4.000 tấn theo yêu cầu của Ô-xtrây-li-a, lớn gần gấp đôi kích thước tàu ngầm mà TKMS đang sản xuất hiện nay.

Trong khi đó, hai nhà thầu Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Shipbuilding Corporation của Nhật Bản đề nghị đóng tàu lớp Soryu có trọng tải 4.000 tấn, được trang bị hệ thống tàng hình. Tuy nhiên, Nhật Bản không chấp nhận việc chế tạo tàu ngầm ở nước ngoài.

Trong khi đó, Tập đoàn DCNS của Pháp đã chào bán cho Ô-xtrây-li-a một phiên bản tàu ngầm sử dụng động cơ đi-ê-den - điện dựa trên mẫu tàu ngầm nguyên tử Barracuda với trọng tải 5.000 tấn. Đây là thiết kế tiên tiến nhất với hệ thống đẩy phản lực êm dịu hơn so với động cơ cánh quạt, giúp tàu ngầm khó bị phát hiện.

Về mặt chiến lược, Ô-xtrây-li-a tìm kiếm đối tác để đi một chặng đường dài. Sau khi xem xét kỹ các hồ sơ đấu thầu, Ô-xtrây-li-a nhận ra rằng, việc hợp tác với Pháp sẽ có lợi hơn cả khi Pa-ri chấp nhận chế tạo tàu ngầm ở Adelaide, miền Nam Ô-xtrây-li-a, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước, có thể tạo ra 2.900 việc làm. Đây được xem là yếu tố then chốt giúp ông Man-côm Tơn-bun “ghi điểm” trong cuộc bầu cử vào tháng 7 tới.

Theo Thủ tướng Man-côm Tơn-bun, 12 chiếc tàu ngầm mới sẽ thay thế cho hạm đội 6 chiếc cũ hiện nay. Tàu ngầm của Ô-xtrây-li-a được thiết kế dựa trên mẫu tàu ngầm nguyên tử Barracuda nhưng sẽ nhỏ hơn một chút so với nguyên mẫu, với chiều dài 97m và có trọng tải 4.500 tấn. Dự kiến, việc đàm phán giữa hai bên sẽ kết thúc vào đầu năm 2017. Việc vận hành chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ diễn ra trong năm 2027. Phát biểu trên kênh truyền hình Europe1 sáng 26/4, Bộ trưởng Lơ Đri-ăng cho biết, ông sẽ sớm thăm Ô-xtrây-li-a để thống nhất "lộ trình" triển khai hợp đồng trên.

Nếu được ký kết, hợp đồng trên sẽ được tiến hành trong 50 năm, tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo dưỡng và đào tạo thủy thủ đoàn. Theo Thủ tướng Man-côm Tơn-bun, tính từ năm 2027, Ô-xtrây-li-a sẽ có thế hệ tàu ngầm mới "hiện đại nhất trên thế giới".

Theo Theo Quân Đội Nhân Dân