> Tiết kiệm điện từ biogas
> Lữ đoàn “siêu” tiết kiệm điện
Trường tiểu học Phước Hội 2 là một trong những trường tiểu học có số lượng học sinh đông nhất, với gần 800 học sinh. Ngoài 25 phòng học chính còn có rất nhiều phòng học chức năng như phòng vi tính, phòng học điện tử, phòng âm nhạc, phòng Anh văn... Vì thế, lượng điện năng tiêu thụ cho các hoạt động học tập và sinh hoạt tương đối nhiều. Bình quân một tháng nhà trường phải bỏ ra từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Khoản kinh phí này được lấy từ quỹ hoạt động của trường, trong khi quỹ này có hạn. Làm thế nào để tiết kiệm điện, chi phí tiền điện hàng tháng giảm đến mức thấp nhất nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của cán bộ giáo viên và các em học sinh trong trường là nỗi trăn trở của ban giám hiệu và tập thể giáo viên. Sau nhiều suy nghĩ, tính toán, Ban giám hiệu và cấp ủy nhà trường đề ra và áp dụng đồng thời nhiều giải pháp.
Nghị quyết tiết kiệm điện
Trong các buổi họp chi bộ, việc tiết kiệm điện, nước luôn được nhắc nhở đầu tiên và trở thành Nghị quyết để hàng tháng sinh hoạt có nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm.
Họp hội đồng cũng vậy, thầy hiệu trưởng nhấn mạnh việc chống lãng phí và thực hành tiết kiệm của nhà trường tập trung vào nhiệm vụ tiết kiệm điện nước. Thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên trong trường phải thực hiện tốt để học sinh noi theo. Chỉ bật điện, quạt khi thật cần thiết và người cuối cùng ra khỏi phòng phải chú ý tắt điện, quạt. Ở các lớp học thì giao nhiệm vụ cụ thể cho các giáo viên chủ nhiệm.
Ngay bảng công tắc điện gần cửa ra vào mỗi lớp học nhà trường đều cho gắn một tấm bảng với nội dung: “Tắt điện, quạt mỗi khi ra khỏi lớp”. Ban giám hiệu thường xuyên đi kiểm tra và kịp thời nhắc nhở những lớp chưa làm tốt. Vào những lúc mất điện đột xuất, một số lớp quên tắt công tắc khi ra về, nhưng nhờ có bảo vệ nhà trường luôn đi kiểm tra để đóng cầu dao nên không có tình trạng điện, quạt chạy sáng đêm trên lớp. Mỗi sáng thứ hai chào cờ, thầy hiệu trưởng thường trực tiếp nhắc nhở học sinh việc tiết kiệm điện, nước. Tuyên dương những lớp thực hiện tốt. Ngoài ra, Đoàn Đội thường tổ chức, hướng dẫn cho các em một số trò chơi dân gian như ô ăn quan, cờ vua, đọc sách báo ở thư viện di động nhằm hạn chế học sinh chạy nhảy, đuổi bắt phải sử dụng nhiều nước, bởi điều này cũng làm tăng tiền điện bơm nước.
Đưa tiết kiệm điện vào bài giảng
Vào lớp, giáo viên thường mở các cửa sổ phòng học cho thông thoáng để đón gió hạn chế sử dụng quạt và điện. Thường xuyên giáo dục các em ích lợi của việc tiết kiệm điện và nhắc nhở kịp thời những học sinh chưa thực hiện tốt. Những nhiệm vụ này, cũng được giáo viên giảng dạy lồng ghép vào một số bài học liên quan. Ngoài ra, thầy cô chủ nhiệm còn giao nhiệm vụ cho một số em lớp phó ra khỏi lớp cuối cùng để tắt điện, quạt. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các tiết sinh hoạt lớp việc tiết kiệm điện nước cũng thường xuyên được đặt ra: Em đã làm gì để tiết kiệm điện nước? Nhiều em trả lời: Em đã tắt điện khi ra khỏi phòng. Em không xả nước nhiều và luôn nhắc nhở các bạn khác...hoặc theo em vì sao phải tiết kiệm điện, nước? Có em trả lời để đỡ tốn tiền... Những câu trả lời chân thật, hồn nhiên đã có tác động rất lớn đối với các em.
Với kiểu dạy “mưa dầm thấm lâu” phần lớn những học sinh của trường đã có ý thức cao trong việc tiết kiệm điện, nước. Nhờ vậy, tiền điện hàng tháng đã giảm đi rõ rệt. Tháng 4/2013 tiền điện phải trả của nhà trường là 2.223.000 nghìn đồng thì tháng 5/2013 chỉ còn 1.877.000 nghìn đồng...
Triển khai việc tiết kiệm điện, nước trong trường Tiểu học Phước Hội 2 đã góp phần tiết kiệm được một khoản tiền cho nhà trường. Nhưng kết quả thu được lớn hơn rất nhiều đó là việc hiểu biết của các em vì sao phải tiết kiệm điện, nước, từ đó nêu cao ý thức biết bảo vệ và giữ gìn của công.