Chủ trì buổi làm việc Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn. Cùng dự có Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương.
Sau 10 năm thực hiện Quyết định 290, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, thanh niên về vai trò, vị trí của công tác dân vận, công tác thanh vận trong tình hình mới được nâng lên rõ rệt. Việc chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho thanh niên, giải quyết những vấn đề bức thiết của thanh niên ngày càng được quan tâm thực hiện và mang tính thiết thực, hiệu quả.
Công tác tham mưu của Đoàn với Đảng, tham gia với chính quyền các cấp trong việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên được tăng cường và toàn diện hơn, đã kịp thời tháo gõ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, vận động, tập hợp và phát triển thanh niên.
Trong đó, Ban Bí thư, BTV, BCH T.Ư Đoàn đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định phê duyện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam gia đoạn 2011 – 2020; quyết định hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên học tập, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn tín dụng để học tập và tham gia phát triển kinh tế - xã hội...
Đến nay, cả nước có trên 9,9 triệu hội viên Hội LHTN Việt Nam (tăng 13,56% so với năm 2014). Tỷ lệ tập hợp thanh niên đạt 64,7%. Công tác phát triển tổ chức Đoàn, Hội ở khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước được quan tâm chỉ đạo với hơn 2.400 tổ chức cơ sở Đoàn được thành lập mới.
Thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn quán triệt đầy đủ các tinh thần của Quyết định 290 để đưa vào các nghị quyết, chương trình, đề án, các kết luận để thực hiện trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Phước Lộc đặt ra vấn đề: Đoàn đã có nhiều nỗ lực và làm được nhiều việc nhưng chỉ những người có quan tâm, hiểu biết về Đoàn mới trân trọng ghi nhận, còn xã hội có ghi nhận; thanh niên có thừa nhận việc Đoàn đã nỗ lực chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của họ. Đó là câu hỏi đặt ra hiện nay.
"Đoàn phải nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo đổi mới hơn nữa trong việc lồng ghép, tích hợp, liên thông có chọn lọc và xác định vấn đề cốt lõi, khâu đột phá, có trọng tâm trọng điểm, rõ việc rõ cơ chế giữa văn bản 290 với các văn bản khác liên quan đến vấn đề thanh niên và công tác thanh niên, dân vận và công tác dân vận", ông Nguyễn Phước Lộc nói.