Dự báo thận trọng hơn
Quý 1/2023, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%, gần thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Kết quả này chỉ nhỉnh hơn quý 1/2020 (3,21%), là thời điểm COVID-19 bước đầu gây ảnh hưởng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thực sự lấy lại đà tăng trưởng như trước đây. Nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng trưởng thấp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đều giảm, trong khi lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng. Doanh nghiệp tiếp tục giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Xuất khẩu tăng trưởng chậm.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nhận định, với diễn biến kinh tế quý 1 suy giảm, tăng trưởng chỉ đạt hơn 50% kế hoạch, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức.
Nhiều tổ chức nghiên cứu đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023. Con số dự báo này thấp hơn mức 6,7% mà ADB đưa ra trong báo cáo hồi tháng 9/2022. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cập nhật lại dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, hạ xuống mức 6,3% trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 5,8%.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6,3% đến 6,5% trong năm 2023. Đại diện nhóm nghiên cứu, GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong nước, vấn đề lãi suất, tín dụng - tỷ giá vẫn là điểm nghẽn. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng khó thực hiện.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, GS.TS. Tô Trung Thành khuyến nghị, Việt Nam ưu tiên sử dụng chính sách tài khoá, đẩy mạnh các gói hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch, giảm thiểu phiền hà, quy trình tiếp cận. Ví dụ như gói hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc dừng, chuyển nguồn lực sang hỗ trợ khác. Doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ vì các quy định phức tạp, quy trình ít khả thi, ngân hàng gặp áp lực khi thực hiện.
Theo dự thảo tờ trình Quốc hội về tình hình thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 1 năm triển khai, đến hết tháng 3/2023, số tiền giải ngân mới đạt 83 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách đã hết thời hạn thực hiện, hoặc hiệu quả rất thấp. Gói cấp bù lãi suất mới giải ngân được 0,83% nguồn lực bố trí (330 tỷ đồng). Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chỉ giải ngân được 57%, đã hết thời gian thực hiện.
Tiếp sức, vực dậy doanh nghiệp
Dù chính sách tiền tệ có dấu hiệu “dễ thở” hơn, nhưng TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng, diễn biến thời gian tới còn khó lường. Bối cảnh lãi suất cao cũng khiến thị trường vốn “méo mó”, doanh nghiệp, cá nhân chỉ phòng thủ vào các tài sản đầu cơ, hoặc gửi ngân hàng thay vì đưa vào sản xuất, kinh doanh. Do nền lãi suất cao, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào sản xuất neo cao, bào mòn lợi nhuận.
Doanh nghiệp là đầu tàu tạo ra giá trị gia tăng, đảm bảo cân đối xuất khẩu cho nền kinh tế. Nếu sức khoẻ doanh nghiệp không ổn định, thậm chí suy giảm như hiện nay, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phục hồi tăng trưởng của Việt Nam”, ông Việt nhận định.
Ông Việt cho rằng, với tình trạng sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, ngoài lo ngại tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thì nguy cơ gia tăng lao động mất việc làm cũng hiện hữu. Số lượng bổ sung lao động mới hằng năm (khoảng nửa triệu người) sẽ khó khăn hơn trong tiếp cận việc làm. Quý 1/2023, gần 149 nghìn người mất việc, tập trung ở các ngành thâm dụng lao động như dệt may- da giày, điện- điện tử do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Tình trạng mất việc kéo dài sẽ dẫn đến bất ổn vĩ mô, thậm chí gây mất ổn định xã hội.
Theo đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là việc cấp bách phải làm. Về hỗ trợ chính sách, ông Việt nhấn mạnh cần cải cách quyết liệt môi trường kinh doanh, giải quyết cú sốc cung, cầu tạo thuận lợi, thông thoáng cho thị trường trong nước lưu thông.