Tiếp mạch khát vọng hòa bình

TP - Với sự có mặt của những vị khách mời đã, đang tham gia đấu tranh, chung tay góp sức vì một nền hòa bình cho Việt Nam và thế giới, Khát vọng hòa bình do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris được ký kết. Những nhân chứng lịch sử, tư liệu trưng bày mang đến những câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình cống hiến và dựng xây hòa bình của nhiều thế hệ người con Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Nhân chứng đi qua cuộc chiến

Khát vọng về một đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất luôn là động lực và lý tưởng cao cả, thắp sáng tinh thần chiến đấu để mỗi người dân Việt Nam kiên trì đấu tranh trên mọi mặt trận. Trong lớp thanh niên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, một trung đội của những cô gái tuổi đôi mươi đã vượt núi băng rừng, tải thương, tải đạn suốt những năm chiến tranh ác liệt nhất.

Năm 1966 - 1967 đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc, trước tình thế cấp bách Đảng ủy Bộ tư lệnh 559 đã thành lập đơn vị Nữ lái xe Trường Sơn. Nhiệm vụ của đội là chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra miền Bắc. Tuyến hoạt động chủ yếu ở những nơi chiến trường ác liệt nhất, từ Bến Thuỷ đến Tây Trường Sơn, trong đó có nhiều trọng điểm phải vượt qua như: Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại...

Kỷ vật của những nhân chứng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được trưng bày tại triển lãm Khát vọng hoà bình. Ảnh: GIA LINH

Bà Nguyễn Thị Hòa là một trong số 40 cô gái dũng cảm, can trường đó. Bà đảm nhận vai trò chính trị viên cho toàn đơn vị nữ lái xe Trường Sơn. “Chúng tôi không ngán gì, cũng không kém gì nam giới. Chưa có đất nước nào có đơn vị nữ lái xe như ở Việt Nam. Đây là niềm tự hào, vinh dự của chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Hòa xúc động chia sẻ tại tọa đàm sáng 9/1.

Bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước xuất hiện sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972. Đây là thắng lợi quân sự buộc Mỹ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tháng 1/1973, PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao khi ấy là một thanh niên 22 tuổi, đang học tập tại Pháp. Ông là một trong những sinh viên tham gia vào công việc chuẩn bị chào mừng Hiệp định Paris được ký kết.

“Tôi may mắn được cử đi học ở Paris từ tháng 10/1972. Không bao giờ tôi quên được những giây phút lịch sử khi quá trình đàm phán được nối lại. Hiệp định Paris là dấu son trong ngành ngoại giao Việt Nam, là sự kiện có một không hai của ngoại giao thế giới”, PGS.TS Dương Văn Quảng kể.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhớ lại ký ức tháng 2/1973. Ông lên đường nhập ngũ, lúc ấy, ba của ông là nhà báo Huỳnh Hùng Lý không thể tiễn con trai vì đang ở Paris làm nhiệm vụ tháp tùng đoàn của Chính phủ lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông Huỳnh Hùng Lý giữ chức Tổng biên tập báo Miền Nam Việt Nam chiến đấu của Chính phủ cách mạng lâm thời. Ông từng tham gia tổ thư ký báo chí của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Theo lời nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nhiều cán bộ trong đoàn báo chí đều sinh sống tại con ngõ nhỏ ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Trong những ngày cuối năm 1972, đế quốc Mỹ dùng B52 bắn phá ác liệt, nhiều cán bộ trong đoàn lúc đó đang ở Pháp, nhận tin nhà mình bị bom đánh sập.

Khát vọng hòa bình

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trích thông điệp năm mới của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres: “Năm 2023, chúng ta hãy đặt hòa bình làm trọng tâm trong mọi lời nói và hành động. Chúng ta cần hòa bình hơn bao giờ hết...”. Bà Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định, khát vọng hòa bình trở thành lẽ sống của dân tộc Việt Nam, được bao thế hệ người Việt Nam trong đó có lớp lớp phụ nữ Việt Nam nối tiếp nhau không tiếc công sức và xương máu để vun đắp và gìn giữ.

Các đại biểu thả chim bồ câu, thể hiện ước vọng và quyết tâm gìn giữ, vun đắp nền hòa bình. Ảnh: GIA LINH

“Từ câu chuyện trong lịch sử, với truyền thống vẻ vang, phụ nữ Việt Nam luôn là nguồn lực quan trọng, với sự đồng hành của cộng đồng và toàn xã hội không ngừng vun đắp và gìn giữ hòa bình”, bà Hương nêu.

Tham gia vào lực lượng gìn giữ hoà bình, trung tá Đỗ Thị Hằng Nga (Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 thuộc Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam) và đồng nghiệp luôn cố gắng hết sức, đem những tâm huyết, sự chân thành đến người dân và bạn bè quốc tế. “Thông qua những việc làm được, sự chân thành, chúng tôi được ví như sứ giả đem văn hoá Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế”, trung tá Đỗ Thị Hằng Nga chia sẻ.

Năm 2018, lần đầu tiên LHQ đề nghị Việt Nam cử một nữ sĩ quan tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình cùng các nam sĩ quan để bảo đảm chính sách bình đẳng giới. Khi đó, nữ chiến sĩ công tác tại Phòng Tham mưu - kế hoạch, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã viết đơn tình nguyện xung phong và được lựa chọn với nhiệm kỳ 12 tháng tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan. Cô trở thành nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

Nói về những kỷ niệm khi làm việc tại Nam Sudan, nữ trung tá Đỗ Thị Hằng Nga tự hào khi nhớ đến hình ảnh người dân đứng bên ngoài hàng rào gai để chào lực lượng gìn giữ hoà bình bằng tiếng Việt. “Khi đó trong nhóm không chỉ có chiến sĩ Việt Nam mà còn những đồng nghiệp quốc tế khác, nhưng người dân lại chỉ chào bằng tiếng Việt. Chúng tôi tự hào rằng Việt Nam mới tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình nhưng đã được nhiều người biết đến”, trung tá Đỗ Thị Hằng Nga nói.

Thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về an ninh truyền thống và phi truyền thống, đe dọa đẩy lùi những thành quả phát triển của nhân loại, vì thế việc xây dựng, củng cố công tác bảo vệ hòa bình và an ninh càng cần được vun đắp. Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trưng bày triển lãm Khát vọng hòa bình, giới thiệu nhiều hiện vật quý liên quan sự kiện Hiệp định Paris được ký kết, một số hiện vật của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Dấu ấn phụ nữ Việt Nam

Dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (1973-2023), PGS.TS Dương Văn Quảng cho rằng cần phải nhìn nhận vai trò của những người phụ nữ Việt Nam trong thắng lợi lịch sử. Nhắc đến dấu ấn của phụ nữ Việt thời kỳ này, không thể không nhắc đến nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris giai đoạn 1968-1973.

“Bà Nguyễn Thị Bình là điển hình cho sắc đẹp của phụ nữ Việt Nam trong ngoại giao. Bà thể hiện sự dịu dàng trong cư xử, kiên quyết trong đàm phán và chứng tỏ bản lĩnh người phụ nữ Việt Nam”, ông Dương Văn Quảng nhận định.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trân trọng những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ nền hòa bình. “Giữa thời bình, chúng ta có những tấm gương phụ nữ điển hình, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những nữ sĩ quan của Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Họ xông pha ở nơi xa xôi để giữ hòa bình cho đất nước”, ông nói.

Thượng tướng nhiều lần tới thăm các nữ cán bộ, chiến sĩ công tác tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, đánh giá cao sự chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, hiểm nguy để đóng góp công sức lớn lao cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình.

NGỌC ÁNH