Tiếp bài 'Loạt biệt thự sai phạm ở Măng Đen': Ai chịu trách nhiệm?

TP - Điều tra của phóng viên Tiền Phong cho thấy, Phòng TN&MT huyện Kon Plông (Kon Tum) đã làm sai quy định, ban hành các thông báo giới thiệu địa điểm đất xây nhà ở biệt thự cho 190 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 195.817m2. Sai phạm này diễn ra trong một thời gian dài, trải qua 4 nhiệm kỳ, vậy ai chịu trách nhiệm?
biệt thự sai phạm xây dựng dang dở

Từ cuộc thanh tra giai đoạn hơn 20 năm

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, sở dĩ có câu chuyện loạt biệt thự sai phạm bị yêu cầu thu hồi ở Măng Đen bởi trước đó Sở TN&MT tỉnh Kon Tum đã có thông báo kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai trong các lĩnh vực thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Kon Plông. Thời kỳ thanh tra từ ngày thành lập huyện Kon Plông (năm 2002) đến thời điểm thanh tra, tức giữa năm 2023.

Theo kết luận trên, UBND huyện Kon Plông xây dựng phương án xúc tiến ưu đãi đầu tư nhà biệt thự để thu hút nguồn lực vào đầu tư nhà ở theo quy hoạch trên địa bàn trong giai đoạn huyện mới thành lập là chủ trương đúng, góp phần thay đổi bộ mặt huyện Kon Plông (thời điểm năm 2007). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do chưa nghiên cứu kỹ pháp luật về đất đai nên để xảy ra một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, Sở TN&MT nêu rõ, việc UBND huyện Kon Plông ban hành quy chế quản lý xây dựng nhà biệt thự trên địa bàn (quyết định số 653 ngày 21/8/2007), được HĐND huyện này thông qua (nghị quyết số 70 ngày 26/7/2007), trong đó có một số nội dung không phù hợp với Luật Đất đai năm 2003.

Đơn cử, Phòng TN&MT huyện đã ban hành các thông báo giới thiệu địa điểm đất xây nhà ở biệt thự cho 190 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 195.817m2; đề nghị hộ gia đình, cá nhân lập thủ tục nộp thuế trong khi chưa có quyết định của UBND huyện là trái quy định của pháp luật, không có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, một số lượng lớn thông báo giới thiệu địa điểm xây dựng đã quá thời hạn 60 ngày (theo Quy chế quản lý xây dựng nhà biệt thự trên địa bàn huyện Kon Plông), người sử dụng đất chưa xây dựng nhưng Phòng TN&MT huyện không ban hành văn bản thu hồi thông báo, để một số cá nhân lợi dụng mua bán, chuyển nhượng đất.

Liên quan tới sai phạm trên, việc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Kon Plông (thuộc Phòng TN&MT huyện) chuyển thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính và Chi cục Thuế huyện Kon Plông (xác định nghĩa vụ tài chính) thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ của các hộ dân, trong khi UBND huyện chưa ban hành quyết định giao đất là không đúng quy định.

Đặc biệt, từ tháng 7/2014 đến năm 2022, qua thanh tra, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum phát hiện 16 trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng không thông qua đấu giá, không xác định giá đất cụ thể thời điểm giao đất với diện tích 14.974m2 (đất xây nhà ở biệt thự 4.800m2 và đất giao quản lý không thu tiền sử dụng đất 10.147m2) là vi phạm quy định Luật Đất đai năm 2013, gây thất thu ngân sách.

Qua thanh tra, Sở TN&MT tỉnh cũng phát hiện, tại 151 trường hợp được giao đất ở, UBND huyện đã giao 102.224m2 đất cho hộ gia đình, cá nhân để quản lý (không thu tiền sử dụng đất) là sai so với quy định Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013; kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum giao UBND huyện thu hồi toàn bộ diện tích trên.

Cùng với đó, theo Sở TN&MT tỉnh cần củng cố hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính về đất đai hành vi chiếm đất đối với các hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp thẩm quyền ban hành quyết định giao đất nhưng đã xây dựng công trình (tổng công bố 26 trường hợp đã xây dựng công trình trên đất nhưng chưa có quyết định giao đất).

Theo Sở TN&MT, đối với các trường hợp không thể khắc phục thì báo cáo UBND huyện để chỉ đạo chuyển hồ sơ, tài liệu cho Công an tỉnh xem xét, điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

“Dự án giao biệt thự cho các nhà đầu tư, cán bộ lúc đó chỉ mong người ta lên là mừng rồi. Còn anh em chẳng mong cầu lợi ích gì. Kể cả bản thân tôi cũng có lấy lô đất nào đâu”.

Ông Bùi Đoàn Khương,

nguyên cán bộ tuyên giáo huyện Kon Plông

Tiếng nói người trong cuộc

Trong quá trình thanh tra sai phạm trên, Sở TN&MT tỉnh nhận định, việc giao đất cho các hộ dân tại dự án này diễn ra trong một thời gian dài, trải qua 4 nhiệm kỳ, có tính lịch sử phức tạp gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của huyện. Trong số các tồn tại, hạn chế được phát hiện trong quá trình thanh tra có nguyên nhân khách quan, chủ quan đan xen, có nội dung khắc phục được, có nội dung phức tạp.

Là một trong những người đã đến Măng Đen từ những năm 2002, ông Bùi Đoàn Khương (SN 1961, trú huyện Kon Plông) thời điểm ấy đang là cán bộ tuyên giáo của huyện Kon Plông. Ông chia sẻ, lúc mới lên trung tâm huyện Kon Plông rất hoang sơ. Lúc đó, dân cư sống trên Măng Đen vẫn còn thưa thớt, chủ yếu công nhân của lâm trường lên để làm kinh tế mới.

Theo ông Khương, lúc đó lên chỉ khoảng 40 cán bộ huyện. Để lên được phải đi bộ khoảng 15 cây số đường rừng, vấp ngã, chảy máu là chuyện thường ngày. “Khổ lắm, anh em để vợ con ở nhà, lên Măng Đen cả tháng mới về. Lúc đó chỉ mong có người đến ở là mừng lắm rồi. Khổ nhất là vào mùa mưa, đường đất sình lầy, vắt bám đầy chân, sẹo cả tháng trời”, ông Khương kể.

Theo ông Khương, thị trấn Măng Đen thời đó là trung tâm đồn bốt cũ từ thời Pháp cho đến Mỹ. Phải tốn rất nhiều thời gian để huyện phối hợp với các chiến sĩ Quân khu 5 rà phá bom mìn, vậy mới có được Măng Đen như hiện tại.

Ông Khương chia sẻ, năm 2007, sau khi huyện đề xuất các chính sách thu hút đầu tư lên tỉnh, những lô đầu tiên được cấp để ưu tiên xây biệt thự. Sau một vài đợt kêu gọi, Măng Đen có gần 200 căn biệt thự.

Tuy nhiên, theo ông Khương, đây cũng là giai đoạn khủng hoảng kinh tế - tài chính, các doanh nghiệp hết vốn để tiếp tục đầu tư dù đã được phân lô. Bởi vậy, một số người không hoàn tất thủ tục, một số khác không đầu tư tiếp nữa nên mới tạo ra những căn biệt thự dở dang như hiện tại.

Ông Khương cho rằng, ý tưởng xây dựng Măng Đen thời đó rất tốt, tuy nhiên so với luật bây giờ có nhiều cái chưa đúng; nhiều điều, khoản luật hồi đó hướng dẫn còn chồng chéo, không rành mạch.