> Soi chung gương mặt đàn bà
> Về quê
Cha tôi thường nói rằng khi nghe tôi và mẹ cười ở gian nhà khác, cha không biết ai đang cười. Cha nói rằng chúng tôi nhìn cứ như là một cặp song sinh, chỉ có điều mẹ và tôi chào đời cách nhau hai mươi năm.
Mẹ tôi luôn yêu tiếng chim líu lo buổi sáng, nhưng tiếng khóc xa thẳm của bồ câu mới là tiếng chim mà mẹ yêu thích nhất. Mẹ sẽ ngừng tất cả mọi việc, hoặc nếu chúng tôi đang đi trên đồng, mẹ sẽ dừng hẳn lại, nắm lấy cánh tay tôi, nghiêng đầu để tai của mẹ có thể hướng về phía những tiếng gù thầm thì mà ngọn gió vi vu đưa tới. “Nghe kìa, Shahbano! Con có nghe được không? Những con chim bồ câu, con có nghe thấy tiếng chúng không? Tuyệt quá phải không con?”.
Tôi cười nhạo mẹ. Một một người lớn như mẹ mà lại bị tiếng hót của vài con chim làm cho mê mẩn. Có những loài chim hót du dương hơn nhiều, ví dụ như con tu hú hót suốt mùa hè, hay chim sơn ca khiến người ta rơi nước mắt bằng tiếng hót của chúng.
Nhưng một khi chiến tranh ập tới, những con chim im bặt và những khẩu súng thay thế chỗ của chúng.
Đầu tiên chúng tôi cố tiếp tục sống như bình thường. Mẹ khăng khăng rằng tôi phải đi học, vì thời gian quá quan trọng để có thể uổng phí. “Con cần học, Shahbano ạ. Chỉ bằng cách học con mới có thể làm bất cứ điều gì con muốn. Một người đàn ông vĩ đại, một nhà thông thái đã nói rằng: Học thức là chìa khóa mở ra cách cửa quý báu của tự do”.
“Nếu con đi học, chúng ta lại có hoà bình chứ mẹ?”, tôi hỏi, cảm thấy vô cùng sợ hãi, bởi súng đã nổ ùng oàng suốt đêm, dựng chúng tôi dậy từ giấc ngủ. Chúng tôi đã phải chạy xuống nhà, nằm rúc dưới cầu thang khi những chiếc máy bay rú qua trên đầu, trong lúc tiếng súng nổ giòn như tiếng sấm.
“Con yêu, điều đó không ở trong tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng nếu mỗi đứa trẻ ở đất nước chúng ta đi học, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có chiến tranh nữa. Con có biết của cải quý nhất của đời người là gì không?”
“Không, thưa mẹ”.
“Đó là học thức, Shahbano ạ. Mặc cho bất cứ điều gì xảy đến với con trên đời, tri thức là điều mà người khác chẳng thể lấy đi được của con. Con có thể mất nhà cửa, mất của cải, thậm chí mất cả bạn bè, nhưng con sẽ luôn có những kiến thức mà con đã học. Bây giờ, đi học đi, con yêu. Mẹ sẽ giúp con làm bài tập khi con về”.
Và mẹ tôi đã giữ lời hứa của mình. Chúng tôi đã cùng học với nhau dưới ánh sáng của ngọn nến khi điện bị cúp hàng tháng trời, hàng đêm, khi những trận đột kích trên không oanh tạc đêm tối.
Nhưng rồi mọi chuyện xấu đi, và chúng tôi không được phép ra khỏi nhà vì điều đó quá nguy hiểm. Những đoàn quân đã tiến gần thành phố hơn và người ta đánh nhau ngay trên đường phố. Mỗi ngày chúng tôi nhận được thông tin khủng khiếp rằng một người bạn nữa đã bị chiến tranh giết chết. Tôi phải nghỉ học. Mẹ đã dạy tôi cả ngày ở trong ngôi nhà của chúng tôi. Mẹ luôn biết cách làm cho bài học vui nhộn, đầy ắp tiếng cười và lời hát, khiến nhiều giờ đồng hồ trôi qua nhanh chóng. Và cha tôi nói rằng cha rất tự hào về những điều tôi đang học được, và về sự siêng năng chăm chỉ của tôi.
Nhưng rồi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Mẹ tôi ngã bệnh. Mẹ thức suốt đêm, ho sù sụ, càng ngày càng gầy rộc đi. Bạn có biết không, cũng vì chiến tranh, chẳng có thuốc men để giúp mẹ tôi khỏi bệnh. Cũng chẳng giúp ích được gì nếu chúng tôi đưa mẹ đến bệnh viện. Tôi sợ lắm. Tôi ngủ với mẹ hằng đêm, kê đầu lên vai mẹ, đặt tay lên ngực mẹ để chắc chắn rằng tim mẹ vẫn còn đập vào buổi sáng khi tôi thức dậy. Tôi mớm cho mẹ ăn những thìa súp và lau trán cho mẹ mỗi khi mẹ sốt. Tôi luôn miệng cầu nguyện để Thượng đế ban cho mẹ tôi điều thần kỳ, để mẹ bớt ốm.
Một buổi sáng, mẹ tôi dậy rất sớm, ngay khi bình minh lên. “Nghe này, Shahbano! Con có nghe thấy không?”
“Gì đấy mẹ?” Tôi hỏi, hốt hoảng, vì chẳng nghe thấy tiếng gì cả.
“Những con chim bồ câu, Shahbano! Những con chim bồ câu! Những con chim bồ câu... chúng đang hót. Thật tuyệt...” Và mẹ tôi cười, lắng nghe những con chim bồ câu gù riêng cho mẹ, khi hơi thở mẹ chậm lại, dài ra, đến khi không còn hơi thở nào hắt ra từ cơ thể của mẹ nữa.
Sau khi mẹ mất, thời gian lạnh lẽo và dài lê thê. Tôi khóc nhiều ngày trời, cảm thấy rằng thế giới đã sụp đổ, vì tôi đã mất người bạn thân nhất của mình. Cha tôi cố gắng an ủi, nhưng tôi thấy mọi thứ chẳng còn ý nghĩa nữa. Mặc dù thế, tôi vẫn nhớ lời hứa của mình đối với mẹ, rằng tôi sẽ trân trọng việc học. Tôi nhặt sách vở lên, tiếp tục đọc, tiếp tục học. Mỗi lần tôi làm thế, tôi cảm thấy mẹ tôi vẫn ở gần tôi, canh chừng cho tôi.
Rồi, thật chậm, mùa xuân bắt đầu trở về trên đất nước của tôi. Những tiếng súng dần chìm. Chiến tranh kết thúc. Từ từ mọi thứ trở về bình thường. Chúng tôi được phép ra khỏi nhà, được trở lại trường.
Tôi được gặp gỡ những đứa con gái bằng tuổi, một số bạn đã mất mẹ, mất cha, hoặc mất anh em trai. Tôi có những người bạn mới. Chúng tôi giống như một gia đình mới phải sắp xếp lại sau khi mất đi những người thân yêu cũ. Nhưng tôi nhận ra rằng mình lại có thể mỉm cười, bật cười và chơi đùa như những người khác. Và điều đó thật kỳ diệu.
Một ngày khi ở trường, tôi đọc về một hoạ sĩ nổi tiếng có tên là Pablo Picasso, người đã vẽ bức hoạ tuyệt đẹp về một con chim bồ câu. Con bồ câu ấy đã được sử dụng làm biểu tượng của một hội nghị hoà bình quan trọng ở Paris vào năm 1949.
Chỉ đến lúc đó, tôi mới hiểu tại sao mẹ tôi yêu những con chim bồ câu đến vậy. Và tôi đã khóc những giọt nước mắt hạnh phúc lẫn đau khổ khi ngắm nhìn bức tranh vẽ chim bồ câu của hoạ sĩ Pablo Picasso.
Con bồ câu ấy trắng như tuyết trên màu xanh thăm thẳm của bầu trời. Tôi cảm thấy rằng trái tim mình đã được thay thế bằng một con bồ câu đang đập cánh thật mạnh trong lồng ngực, cố gắng bay lên trời, bay lên sự tự do. Bay đến hòa bình. Tôi nhận ra rằng mẹ tôi đã chạm tới bầu trời khi mẹ mất, và cuối cùng, tôi cũng thoát khỏi sự ám ảnh về cái chết của mẹ.
Tôi quyết định rằng tôi sẽ tiếp tục đến trường và học thật chăm chỉ. Một ngày, tôi sẽ vào đại học, trở thành bác sĩ, để có thể cứu được nhiều người. Tôi sẽ xây một bệnh viện và sẽ đảm bảo rằng không ai phải chết mà không có thuốc men giúp họ. Bệnh viện đó sẽ được dành cho những người mẹ và những đứa trẻ. Và bệnh viện đó sẽ mang tên mẹ tôi.
Và tôi sẽ trồng cây xung quanh bệnh viện, để những con chim bồ câu sẽ luôn về đậu ở những lùm cây, để bất cứ ai đến bệnh viện sẽ được nghe tiếng khóc xa thẳm của bồ câu.
Truyện ngắn của Bina Shah
Bina Shah (sinh năm 1972) là một trong những nhà văn nữ tên tuổi của Pakistan, hiện sống và viết tại Karachi. Là tác giả của bốn tiểu thuyết và hai tập truyện ngắn, các tác phẩm của cô đã được dịch sang tiếng Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý và Trung Quốc. Một tiểu thuyết của Bina Shah đã trở thành sách bán chạy ở Ý. Tiểu thuyết mới nhất của cô dành được giải thưởng văn học Un Mondo di Bambini năm 2010.
Truyện ngắn “Tiếng khóc xa thẳm của bồ câu” phản ánh thực tại đau lòng ở một đất nước mà những bé gái không được đến trường do bị Taliban ngăn cấm.
Nguyễn Phan Quế Mai dịch và giới thiệu