Tiền vẫn… chết?

TP - Dòng tiền vào ngân hàng khá dồi dào nhưng dòng tiền ra lại chỉ ở mức nhỏ giọt. Dù thị trường liên ngân hàng cuối tuần qua có dấu hiệu tăng mạnh lãi suất nhưng theo các chuyên gia, hiện tiền chủ yếu vẫn nằm “chết” trong ngân hàng.

Tại buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động của ngân hàng trên địa bàn TPHCM mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết, mặt bằng lãi suất trong 8 tháng đầu năm đã giảm khoảng 2-5% so với đầu năm, tức đã về mức ở giai đoạn 2005-2006, trong đó lãi suất huy động giảm 2-3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm. Bên cạnh đó lãi suất các khoản vay cũ cũng được các tổ chức tín dụng tích cực giảm.

Ngoài việc lãi suất giảm thì các ngân hàng còn tung ra nhiều chiêu để hút người vay. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó tăng trưởng tín dụng đến tháng 9 vẫn còn thấp.

Cụ thể, theo NHNN tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm mới được 6,45%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 12% của cả năm. Đặc biệt đây là con số rất nhỏ so với mức tăng 35-40% những năm trước đó. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn 8 tháng đạt 10,49%. Trước đó năm 2012, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt hơn 8,91%, trong khi đó tăng trưởng huy động lên tới hơn 33%.

Như vậy, đã 2 năm liên tiếp tăng trưởng huy động cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Điều này đồng nghĩa với việc tiền chảy vào ngân hàng mà không được tung ra để cho vay.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ tín dụng so với GDP đã giảm từ mức đỉnh 136% vào năm 2010 giảm xuống chỉ còn 108% GDP trong năm 2012 và hiện nay tương đương với GDP danh nghĩa. Lý giải về hiện tượng này, các tác giả trường Harvard Kennedy (trong Bài thảo luận chính sách “Khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng”) cho rằng, nguyên nhân là do các doanh nghiệp có xu hướng thoái nợ.

Trong khi đó các ngân hàng hướng tài sản đầu tư tài chính an toàn như trái phiếu giấy tờ có giá. Ngoài ra thì do nợ xấu quá cao các ngân hàng cũng phải dùng tiền huy động được để tái cấu trúc nợ, giữ tình trạng tài chính ở mức an toàn.

Theo một vị Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, hiện nay lãi suất không còn là vấn đề quan trọng, cho dù mức lãi suất 6%/năm thì không phải doanh nghiệp nào cũng vay vì họ tự cân đối nguồn vốn tự có để tự sản xuất.

Nhiều ngân hàng đưa ra nhiều gói cho vay ưu đãi thực chứ không phải quảng cáo nhưng các doanh nghiệp cũng chỉ vay cầm chừng. Tăng trưởng tín dụng giảm, tỷ lệ đầu tư giảm, doanh nghiệp co cụm điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Hơn nữa, việc các doanh nghiệp không vay được vốn sẽ làm cho tình trạng khốn khó của doanh nghiệp gia tăng và dẫn tới nguy cơ đổ vỡ. Để vực dậy nền kinh tế và giảm nguy cơ đổ vỡ thì một trong những giải pháp mà Chính phủ cần làm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Thực tế cũng thấy rõ gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản được kỳ vọng rất nhiều nhưng đang bị nghẽn lại. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, trong 4 tháng qua trên địa bàn TPHCM chỉ có 137 khách hàng cá nhân ký hợp đồng vay vốn nhưng chỉ có 58 khách hàng được giải ngân 22,6 tỷ đồng, còn chưa có doanh nghiệp nào đăng ký.

Với những dè dặt từ phía ngân hàng và cả đối tượng đi vay đang khiến cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm đạt 12% là rất khó khăn.

Theo Báo giấy