Tiền lương tăng thêm không đủ bù tốc độ trượt giá

TPO - “Việc cải cách tiền lương đã không mang lại kết quả như mong muốn, vẫn đạt ở mức quá thấp so với thị trường lao động, nhiều người tiền lương tăng thêm còn chưa đủ để chi bù cho tốc độ trượt giá”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam sáng 17/10

Sáng 17/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương,BHXH và ưu đãi người có công làm việc với Tổng liên đoàn Việt Nam để nghiên cứu, khảo sát phục vụ xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, mặc dù từ năm 2004 đến 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động thì còn quá thấp, chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho CBCCVC và gia đình họ. Cụ thể, so với lương tối thiểu vùng Chính phủ công bố áp năm 2018, thì mức tiền lương cơ sở của CBCC mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sống tối thiểu.

Bên cạnh đó, chế độ nâng lương chưa phát huy, khuyến khích người có trình độ, năng lực làm việc hết khả năng để có thu nhập cao hơn, mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ tiền lương, chưa kích thích được tính sáng tạo, nhiệt huyết đối với nhóm có năng lực, trình độ, chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, vòng đời lao động của CCVC.

Cũng theo ông Lý, các khoản phụ cấp đối với các chức danh lãnh đạo là quá thấp so với trách nhiệm của họ được phân công và đảm nhận. Chẳng hạn, một Thứ trưởng chỉ có phụ cấp trách nhiệm 1,3, hiện nay chỉ được hưởng giá trị trách nhiệm tương đương là 1.733.000  đồng/ tháng, và một vụ trưởng  được trả thù lao trách nhiệm khoảng 1.200.000/tháng.

Trong khi đó, lương của 1 CBCC ở bậc đại học mới ra trường hiện nay có hệ số 2,34 (cộng thêm 25% trợ cấp công vụ), thì lương thực tế nhận được vào khoảng gần 4 triệu đồng/tháng, với mức lương của chuyên viên chính hệ số 4,4 (sau khoảng 10-15 năm công tác) thì lương thực tế của CBCC nhận được khoảng 7,4 triệu đồng/tháng, và nếu là CBCC loại C thì tiền lương của họ còn thấp hơn nhiều.

“Việc cải cách tiền lương đã không mang lại kết quả như mong muốn, vẫn đạt ở mức quá thấp so với thị trường lao động, nhiều người tiền lương tăng thêm còn chưa đủ để chi bù cho tốc độ trượt giá”, ông lý cho hay.

Trên cơ sở đó, Tổng liên đoàn kiến nghị cần xác định lại mức lương cơ sở cho đúng và đủ trong khu vực nhà nước phù hợp với thị trường lao động là điều hết sức quan trọng và cần thiết; sớm cải cách tiền lương, đặt lại mức lương cơ sở khu vực nhà nước.

20,6% người lao động “chi tiêu kham khổ”

Đối với người lao động, theo số liệu của tổng cục thống kê, đến hết năm 2016 Việt Nam có 54,41 triệu người thuộc lực lượng lao động (chiếm 77% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên), trong đó có 22,05 triệu lao động làm công ăn lương, 9,44 triệu lao động có hợp đồng lao động.

Về tiền lương cơ bản (là mức tiền lương dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động chưa bao gồm tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp, trợ cấp) trung bình hàng tháng của người lao động năm 2017 (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được là 4.480.000 đồng/tháng, tăng 6,9 % so với năm 2016.

Về thu nhập: Thu nhập của người lao động (không kể ăn ca) trung bình là gần 5.500.000 đồng/tháng.

Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp như tiền chuyên cần, tiền nhà ở, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, tiền hỗ trợ đời sống, tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ...

Trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) đạt khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng; số tiền này chiếm từ 20% đến 30% thu nhập của người lao động. Trong đó, lao động trực tiếp sản xuất nhận được số tiền làm thêm giờ tương đối cao. Do đó, những tháng không làm thêm giờ, thu nhập sẽ giảm sút, đời sống của người lao động gặp khó khăn.

Theo Tổng liên đoàn, nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.

Kết quả khảo sát cho thấy: 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập.

Có 54,0% người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra. Do đó, tình trạng tranh chấp lao động, đình công 6 tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu chiếm tỷ lệ khá cao (72 cuộc/133 cuộc, chiếm 54,1%). Một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp xảy ra nhiều đình công như dệt may 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%).

Trước thực tế đó, Tổng liên đoàn kiến nghị, nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Trước mắt cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động.

Theo đó khái niệm mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.