> Vua Voi trăm tuổi, yêu ai chẳng thích
> Chuyện chưa kể về vua voi Ama Kông vừa 'về với đại ngàn' ở tuổi 103
Chuyện trên nhà sàn cổ
Tuổi già sức yếu, Ama Kông trút hơi thở cuối cùng lúc 2 giờ 3 phút sáng ngày 3-11-2012 trên căn nhà sàn cổ được Vua Voi Y Thu khởi công xây dựng từ 129 năm trước, dù đã được điều trị tích cực sự cố thủng dạ dày suốt một tuần tại bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tập quán của đồng bào M’Nông, thông thường thi hài người chết được quàn 3 ngày 3 đêm tại nhà trước lúc đi chôn. Riêng với bậc đại trưởng lão có công lớn với dòng họ, buôn làng như Ama Kông, thời gian giành cho các nghi thức tang lễ kéo dài gấp đôi ! Trong chiếc quan tài dài nặng, thi thể Vua Voi đã được tẩm liệm bằng các loại lá thuốc đặc biệt để cho xác lâu phân hủy.
Trong suốt 6 ngày cúng tế, không kể hàng trăm lượt khách viếng từ ban ngành các cấp xã huyện tỉnh, đàn hậu duệ đông đúc của ông gồm 21 người con, gần 200 cháu chắt và bà con tộc họ xa gần đã luân phiên hiến trâu, bò, gà, heo làm lễ cúng và đãi khách. Đêm nào hàng trăm thanh niên nam nữ cũng tụ tập uống rượu cần, nhảy múa theo nhịp chiêng tưng bừng huyên náo.
Trên sàn nhà lót gỗ đã mòn bóng, từng nhóm thân hữu, con cháu của Vua Voi tụ tập trò chuyện. Chuyện về chàng dũng sĩ săn voi đào hoa, chuyến săn nào cũng quăng dây thừng dong được voi con về, quấn khố thì săn chắc, đóng bộ veston thì hào hoa khiến gái làng mê tít.
Chuyện về những cuộc hôn nhân “gối đầu”, cưới cả hai chị em H’Nu-H’Hốt, dắt bà sau về xin phép bà trước, nhường hết của cải cho vợ cũ để dong voi theo vợ mới ; Chuyện về bốn bà vợ chính thức và lần cưới vợ thứ tư ở tuổi tám mươi ba, chàng hơn nàng năm mươi sáu cái xuân xanh mà cuộc tình vẫn nồng cháy cho tới ngày kết thúc bằng lá đơn ly hôn vô tiền khoáng hậu ở tuổi 99, công bố tại nhà văn hóa cộng đồng buôn Yang Lành, xã Krông Na. Chuyện về những bài thuốc cường dương bổ thận mang thương hiệu Ama Kông nổi tiếng, đến mức… cửa hàng bán thuốc Ama Kông giả mạo nào cũng được du khách ngây thơ nộp tiền, hy vọng mua được chút cường tráng …
Giành nhau kể về quá khứ vui vẻ sống động của người qua đời, cấu chí nhau cười rúc rích. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hầu hết đều tin sống gửi thác về. Ai cũng muốn khi qua đời được nằm trên căn nhà sàn thân thuộc, xung quanh rộn rã tiếng nói cười để hồn về bên kia thế giới được nhẹ nhàng, thanh thản.
Tang lễ rộn ràng bên sông Sêrêpôk
Từ mờ sáng ngày 8-11-2012, đông đảo phóng viên các báo đài trong ngoài tỉnh đã vượt gần năm mươi cây số từ thành phố Buôn Ma Thuột về Buôn Đôn, để được chứng kiến tang lễ Ama Kông- Vị vua voi không ngai cuối cùng trên xứ voi duy nhất của cả nước.
Đúng 7h, quan tài được chuyển từ trên nhà sàn xuống sân. Tiếng khóc rộ lên vài phút để tỏ sự bi thương rồi nín bặt, ai nấy lại lăng xăng lo phần việc của mình. Chị H’Cheng con gái của Amí Nôi, người vợ thứ ba của Ama Kông mếu máo kể chị chính là đứa con gái 5 tuổi mà Ama Kông từng dắt về ổ đẻ của Bà Hai để xin phép cưới Bà Ba. Mẹ mất lâu rồi, giờ Cha cũng khuất nên tất nhiên chị phải khóc, còn nhiệm vụ của chị là gùi các thứ Cha yêu thích để lát nữa bỏ xuống huyệt cho ông.
Chiếc xe tang chỉ được dùng để chở dụng cụ. Quan tài của Ama Kông đặt trên dàn cây nài ráp bằng gỗ cà chít tươi, được hai chục thanh niên khỏe mạnh nâng lên và ghé vai khiêng đi cả cây số suốt từ nhà ra nghĩa địa Buôn Trí. Không cờ tang, kèn trống, cồng chiêng, đoàn đưa linh cữu lặng lẽ đi êm như trôi trên con đường nhỏ xuyên qua buôn hôm nay không đón khách du lịch, trầm mặc trong nắng.
Tại nghĩa địa buôn Trí, huyệt được đào sâu một mét rưỡi, láng xi măng bốn phía chờ sẵn. Hàng chục vòng hoa viếng của các cá nhân ban ngành tựa ở một góc rào. Loạt tượng gỗ trang trí hình ngà voi, chim công đẽo cũng bằng cây gỗ cà chít ít bị mối mọt được chính quyền cấp phép lấy từ Vườn Quốc gia Yok Đôn đã sơn phết cẩn thận.
Trai cả Y Kông và gái đầu Me Lẽn cùng điều hành các thủ tục hạ huyệt, đốt tiền mã, bỏ quần áo dụng cụ quà bánh rót rượu xuống quan tài “ Để Cha về với ông bà không thiếu thứ gì”.
Ông Y Kông, người con trai được kế thừa nghề săn voi của Vua Voi, từng săn được 37 con voi trước khi có lệnh cấm săn voi của Nhà nước, tính tình khiêm nhường lặng lẽ hôm nay mới có dịp thể hiện vai trò Anh Cả trong gia đình. Ông ôm gờ đất bên cạnh huyệt mới, cho biết đây chính là mộ của mẹ ông- bà H’Nu vợ cả Ama Kông, mất từ 72 năm trước, khi ông mới lên ba còn Me Lẽn vừa được vài tháng tuổi. Theo phong tục của người M’Nông, mộ mẹ ông chỉ được đánh dấu sơ sài để chờ khi chồng qua đời, con cháu mới xây mộ chung cho cả mẹ cha luôn thể.
Đại gia tộc dự kiến sẽ sớm xây lăng mộ cho vợ chồng Vua Voi Ama Kông theo mẫu kiến trúc như lăng mộ Vua Voi Y Thu KhunJuNốp, “nhưng thấp và nhỏ hơn một chút, con cháu lớp sau mà”. Y Kông khẳng định.
Trưa gần đứng bóng, nghĩa địa càng đông đúc tấp nập. Hàng trăm lượt người sẽ thay phiên nhau ăn ngủ, nhảy múa, cầu cúng, làm việc tại đây trong nhiều ngày đêm cho tới khi mộ được xây xong. Chuẩn bị chu đáo khâu hậu cần, những con bò hiến tế trong đàn bò chăn thả bên kia sông đã được người con trai thứ bảy Khăm Phết Lào cho xẻ thịt chất lên thuyền chở về. Hàng chục con heo lần lượt được chở tới, mổ nướng ngay trên đống củi lửa cháy hừng hực tại nghĩa địa.
Dao thớt, lá để trải thịt trải ra và những dãy ché rượu xếp thành dãy, sẵn sàng vào tiệc tiễn biệt vị Vua Voi cuối cùng của Xứ Voi …