Tích tụ ruộng đất không để dân chịu thiệt

TP - Ngày 14/4, tại hội nghị giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, các nhà quản lý, chuyên gia đều cho rằng, chủ trương này là đúng đắn. Song, quan trọng nhất là làm sao để nông dân, những người yếu thế, không bị thiệt thòi.
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nhật Minh.

Doanh nghiệp lo ngại

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, mô hình kinh tế hộ gia đình hiện nay với việc quản lý, sử dụng đất nhỏ, lẻ, manh mún khó phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Do đó, yêu cầu phải tập trung, tích tụ ruộng đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quy mô diện tích đất bình quân của hộ  nông nghiệp của Việt Nam rất thấp, chỉ vào khoảng 0,46 ha và trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô này thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước châu Á. Thực tế cho thấy quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm. Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước nhu cầu tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp quy mô lớn đã nảy sinh nhiều mô hình tập trung, tích tụ đất đai. Có 4 mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất gồm liên kết, hợp tác với người sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất của người sử dụng đất và nhận góp vốn của người sử dụng đất.

Tuy nhiên mỗi mô hình này đều có những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp và người dân. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là cần nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của từng mô hình để có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển cho phù hợp.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như quy định hạn mức giao đất (không quá 3ha đất trồng cây hàng năm với hộ gia đình, cá nhân ở Đông Nam bộ, ĐBSCL, 2ha ở các tỉnh còn lại) khiến tích tụ ruộng đất khó khăn. Hay quy định, việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chỉ được thực hiện trong cùng một xã, phường, thị trấn.

Là đơn vị triển khai nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, ông Trần Kiên Cường, Tập đoàn Vingroup chia sẻ, hơn một năm qua đơn vị này triển khai 15 nông trường với diện tích hơn 2.000ha, đưa vào sản xuất hơn 1.000ha.

Tuy vậy, ngay cả khi đã tích tụ được ruộng đất vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có dự án ký hợp đồng trực tiếp với hơn 1.000 hộ dân. Nếu chỉ 1,2 hộ nông dân phá hợp đồng trong 20 năm thì dự án sẽ gặp vấn đề. Có dự án được sự hỗ trợ của chính quyền, do chính quyền tích tụ ruộng đất rồi giao lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này chưa có khung pháp lý để triển khai.

Nghiêng về phương án nới lỏng hạn mức

Theo ông Lê Quốc Doanh, để giải quyết các bất cập trong tích tụ ruộng đất, cần sửa đổi bổ sung Luật Đất đai trong đó cần nới lỏng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, bổ sung thêm loại đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong phân loại đất nông nghiệp.

Về vấn đề hạn mức đất nông nghiệp, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn có quan điểm khác nhau. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu thực hiện bỏ hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các tác động của chính sách này về khía cạnh xã hội. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ lợi ích của người nông dân.

Một số chuyên gia cho rằng, tích tụ đất đai là đúng nhưng phải căn cứ trên nhu cầu, không nên làm theo phong trào. PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương đặt vấn đề, tích tụ đến mức nào? Theo ông, việc tích tụ phải trên cơ sở hiệu quả. Doanh nghiệp thuyết minh được tính hiệu quả thì mới cho tích tụ ruộng đất.

PGS Thạo cho rằng, không hiếm trường hợp tích tụ rồi để không, cũng không loại trừ khả năng có những người sẽ xin tích tụ ruộng đất, ban đầu làm nông nghiệp sau chuyển đổi thành khu đô thị, khu công nghiệp.

“Giữa cái lớn và cái hiệu quả, tôi đề cao hơn hiệu quả năng suất chất lượng. Nếu sản xuất nhỏ mà hiệu quả năng suất chất lượng thì chúng ta ủng hộ trước”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Minh Châu (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nền nông nghiệp hiệu quả không đồng nhất với quy mô lớn. Nền nông nghiệp của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào đầu ra.

Trước khi tích tụ ruộng đất, phải xác định rõ chúng ta sẽ tập trung làm ngành gì rồi mới tính toán quy mô cho từng loại. Đất đai là tiền đề cho nền nông nghiệp hiện đại. Nhưng tính hiệu quả phải được đặt cao hơn tính hiện đại. Bất cứ chủ trương nào cũng đừng làm theo phong trào.

Không làm nghèo hóa người dân

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, việc tích tụ ruộng đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và nông dân, đặc biệt là lợi ích của người nông dân. Doanh nghiệp không làm chỗ này thì chỗ khác, không việc này thì việc khác, người nông dân thì đi đâu, làm gì. “Trong quan hệ với doanh nghiệp, yếu thế luôn thuộc về người nông dân”, ông Thạo nói.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, cần phân tích kỹ tác động của việc tập trung, tích tụ đất đai đến xã hội, nông nghiệp, môi trường trong đó phân tích kỹ việc tích tụ đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

“Làm sao đảm bảo lợi ích nhà nước, các chủ thể tham gia phát triển, đặc biệt là lợi ích của người dân; tích tụ ruộng đất không làm nghèo hóa người dân, không làm dân mất việc làm, đời sống khó khăn hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, tích tụ ruộng đất phải phù hợp từng vùng, khu vực, dựa trên đặc điểm về đất đai, địa hình, thời tiết, văn hóa và truyền thống. “Cần tránh hình thức và phong trào. Nếu tích tụ theo phong trào mà không căn cứ nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất thì sẽ thất bại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.  

Đề xuất lập ngân hàng đất

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, nghiên cứu thiết lập cơ chế tạo quỹ đất để phục vụ cho phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Trước mắt, nghiên cứu xây dựng ngân hàng đất đai trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm phát triển quỹ đất đã được thành lập tại các địa phương có thể thành đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác để hình thành ngân hàng đất đai.