Đối mặt hiểm nguy
Đại tá Trần Phong, quyền Đoàn trưởng (Lữ đoàn trưởng) Đoàn 125 tàu không số (nay là Lữ đoàn 125 Hải quân) cho phóng viên Tiền Phong xem những trang tư liệu thời chiến mà ông cẩn thận lưu giữ. Khi nhận hàng xuống tàu, ông và đồng đội cũng chỉ biết đó là vũ khí, đạn dược, thuốc nổ. Được lệnh cặp bờ tại Cồn Lợi, Thạnh Phú, Bến Tre. Để tránh tai mắt địch, thuyền cặp bờ trong đêm. “Gần đến nơi, qua ánh sáng đèn biển thì anh em xác định tàu đã bị dạt lên phía bắc. Lúc này trời đã gần sáng, bến đón chờ tàu cả đêm không thấy cũng đã rút. Tình thế rất nguy hiểm. Anh em ở trong thế tiến thoái lưỡng nan” - đại tá Trần Phong nhớ lại. Rút ra biển cũng dễ lộ, chưa kể mỗi lần xâm nhập là một lần khó, mà ở lại đồng nghĩa phơi tàu trước mắt kẻ thù, càng dễ lộ. Không đủ thời gian hội ý, họp cấp ủy trước mỗi quyết định quan trọng theo quy định, thuyền trưởng Trần Phong quyết định để thuyền phó Nguyễn Đức Dục đóng vai thương nhân, giả làm tàu buôn bị lạc, nhờ ngư dân dẫn vào Cồn Lợi. May mắn gặp người của bến đón còn nán lại chờ tàu, dẫn tàu vào nơi an toàn, nhanh chóng chuyển hết hàng và ngụy trang cho tàu.
Cuối năm, ông cùng đồng đội chở tiếp 60 tấn vũ khí vào Cà Mau, xuất phát lúc 22 giờ đêm 11/10/1963. Chuyến này từ lúc khởi hành đã không suôn sẻ. Đại tá Trần Phong cho phóng viên Tiền Phong xem hồ sơ chuyến đi ghi lại hải trình và việc tàu bị hải quân Trung Quốc bắt sáng 14/10/1963. Từ hải phận quốc tế, tàu cặp điểm “ăn hàng” thì gặp thủy triều xuống không vào được, bến đón chờ mãi không thấy đã rút. Lại gặp may, trời gần sáng nên anh em trên bờ nhìn thấy nên cho xuồng ra đón và chuyển hàng vào bờ. Đang dỡ hàng thì máy bay tuần biển của địch tới. Anh em lập tức treo cờ chính quyền Sài Gòn, giả làm tàu buôn, cùng lúc triển khai đội hình chiến đấu, sẵn sàng nổ súng đánh địch, thậm chí tự đánh chìm tàu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ bí mật tuyến đường vận tải trên biển đến lúc này chưa bị phát hiện. Đã có không ít tàu bị phát hiện trên biển, anh em đã chọn cách chiến đấu, hy sinh tới người cuối cùng khi tự đánh chìm tàu hoặc cài thuốc nổ trên tàu rồi lao thẳng vào tàu đối phương. Trên tàu, ngoài vũ khí chuyên chở, còn được trang bị đại liên 12ly7, súng chống tăng B40, AK47 và thuốc nổ các loại… “Chiếc máy bay tuần tiễu bay trên đầu chúng tôi ba vòng rồi đi, không hiểu sao chúng không phát hiện ra. Khi chúng nghi ngờ, quay trở lại thì chúng tôi đã dỡ hàng xong và ra tới vùng biển quốc tế, trở về căn cứ an toàn” - đại tá Trần Phong nhớ lại.
Tàu không số “ăn” hàng tại cảng Hải Phòng.
Nhưng không phải mọi chuyến đi đều suôn sẻ, nhất là sau khi quân đội Sài Gòn phát hiện trang bị của Quân giải phóng miền Nam đột nhiên tốt hơn hẳn, với nhiều vũ khí tối tân. Suốt cuộc chiến Đoàn 125 mất 18 tàu, trong đó 2 chiếc bị máy bay Mỹ đánh chìm tại miền Bắc, phải tự hủy để giữ bí mật 12 chiếc, bị địch bắt 2 chiếc, tàu mắc cạn phải bỏ 2 chiếc, số hàng bị phá hủy 700 tấn, hy sinh 76 người, bị thương 54, bị bắt 20 người. Cuộc chiến nào cũng phải chấp nhận mất mát, nhưng những đóng góp của người lính đoàn tàu không số vào sự nghiệp thống nhất đất nước thật không nhỏ. Trong vòng vây lửa đạn của hệ thống phòng thủ nhiều lớp trên biển, trên đất liền của đối phương, họ đã đi liên tục 2.047 chuyến, vận chuyển 150.000 tấn vũ khí, 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ vào Nam ra Bắc. Đại tá Trần Phong cho phóng viên Tiền Phong xem những trang nhật ký ố vàng dấu ấn thời gian, ghi chép danh sách “hành khách”, sau này trở thành những vị lãnh đạo quan trọng của đất nước, như chủ tịch nước Lê Đức Anh, bà Bảy Vân (vợ cố Tổng bí thư Lê Duẩn), tướng Bùi Cát Vũ, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành…
Truy điệu sống
Vũ khí tàu không số chuyển vào Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre… tiếp tục được quân dân miền Nam chở bằng ghe chài vào Cần Giờ, ngụy trang dưới dạng thuyền buôn chở trái cây, gạo, thịt theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… vượt qua đủ loại đồn bốt, xuyên qua trung tâm chỉ huy đầu não Sài Gòn của đối phương để đưa lên Củ Chi, rồi căn cứ địa của Quân giải phóng ở Tây Ninh.
Tàu không số cải trang làm tàu cá, tàu buôn trên đường vận chuyển vũ khí chi viện miền Nam năm 1966. Ảnh: Tư liệu.
Đại tá Trần Phong tự hào chia sẻ: “Vũ khí chuyển vào không chỉ giúp quân dân miền Nam vô hiệu hóa các chiến lược quân sự của địch mà còn góp phần đánh thắng những trận vang dội, ngay tại căn cứ đầu não. Chẳng hạn Biệt động Sài Gòn dùng 80kg thuốc nổ đánh chìm soái hạm - tàu sân bay trực thăng hộ tống của hải quân Mỹ USNS CARD tải trọng 16.500 tấn chở trực thăng, xe tăng ngay tại quân cảng Sài Gòn năm 1964. Hoặc dùng thủy lôi đánh chìm tàu chiến hải quân Mỹ Balon Ronghe Victory tải trọng 10.000 tấn chở 3 máy bay phản lực, hơn 100 thiết giáp M113 ngay trên sông Lòng Tàu, cửa ngõ Sài Gòn”…
Có những hy sinh khác ngoài xương máu mà người lính tàu không số thường âm thầm chịu đựng như một phần đời lính trong chiến tranh. Với người lính tàu không số, mỗi chuyến đi là một lần làm lễ truy điệu nên chuyện tình duyên nhiều người thường gác lại. Trung úy thuyền trưởng trẻ tàu phóng lôi Trần Phong, sinh năm 1935, quen cô công nhân quốc phòng Trần Thị Tường, sinh năm 1942, quê Nghệ An. Đầu năm 1963 chàng được điều động sang làm thuyền trưởng tàu không số vận chuyển vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Chàng quyết định cắt đứt mối quan hệ sắp đến giai đoạn thăng hoa. Vì sao? “Vì ra đi là xác định hy sinh nên không muốn vương vấn. Hơn nữa, chẳng may mình hy sinh thì họ sẽ đau khổ nên không đành lòng. Hầu hết người lính tàu không số chúng tôi đều nghĩ và làm như vậy” - đại tá Trần Phong kể.
Như là duyên phận, sau này tình cờ gặp lại bà ở Hà Nội, khi đó trung úy Trần Phong được điều chuyển về làm sĩ quan tham mưu. Ông bà cưới nhau vào năm 1964 và sống với nhau hạnh phúc từ đó đến nay. Đại tá Trần Phong và bà Trần Thị Tường có hai con trai, đều theo nghiệp quân ngũ. Người con trai cả Trần Khánh Sinh, sinh năm 1965, hiện là thượng tá, làm việc tại Công ty Tân Cảng, Sài Gòn.
Thủy lôi Nga đánh đắm tàu chiến Mỹ
Để đặc công, biệt động đánh tàu chiến Mỹ chở máy bay, xe tăng…, năm 1965 tàu không số được lệnh chuyển vào Nam 4 quả thủy lôi sừng chạm của Nga, các “sừng” chĩa ra các hướng, neo lơ lửng trong nước. Khi va chạm vỏ tàu sẽ kích nổ thủy lôi đủ để phá vỡ thân tàu. Từ Cồn Nghêu (Bến Tre), hai quả thủy lôi kềnh càng, đường kính 2m, mỗi quả nặng hơn 1 tấn được chuyển bằng ghe chài lên Cần Giờ (TPHCM) giao cho đặc công Rừng Sác. Thuyền nhỏ, chỉ dùng sức người, di chuyển rất nhiều chặng trong điều kiện đối phương tuần tiễu, bắn phá liên tục trên không dưới nước đến nơi đánh tàu là cả sự nỗ lực, sáng tạo phi thường của quân dân miền Nam, đặc biệt là bộ đội đặc công nước Rừng Sác. Nhiều lần thủy lôi bị rớt xuống sông hoặc làm đắm thuyền vì cồng kềnh và quá nặng. Chiếc tàu chiến hải quân Mỹ Balon Ronghe Victory tải trọng 10.000 tấn trúng thủy lôi bị đắm ngay trên sông Lòng Tàu, cửa ngõ Sài Gòn. Toàn bộ 3 máy bay phản lực chiến đấu, hơn 100 thiết giáp M113 cùng vũ khí, lương thực cung cấp cả mùa khô cho Sư đoàn 4 Hoa Kỳ bị chìm xuống lòng sông.