Những điểm dừng đặc biệt trên đường Hồ Chí Minh

Những người làm đường Hồ Chí Minh ngày nay thắp hương tri ân những người mở đường trong chiến tranh
Những người làm đường Hồ Chí Minh ngày nay thắp hương tri ân những người mở đường trong chiến tranh
TPO - Nghĩa trang Tân Ấp, Thọ Lộc, Vạn Ninh rồi Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang Tám Cô... những địa danh mà mỗi khi nhắc tới người ta lại thấy rưng rưng nỗi nhớ về lớp thanh niên xung phong ngày đêm đội đá vá đường, hàng vạn người ngã xuống khi mái tóc còn xanh. Những chức tích đau thương, hùng tráng đó vẫn còn nguyên vẹn bên con đường Trường Sơn huyền thoại, nay là đường Hồ Chí Minh...

Tuyến đường bi tráng của thanh niên xung phong

Xuất phát từ Hà Nội lúc trời còn nhá nhem, chúng tôi cùng gần 20 thành viên của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh bắt đầu một chuyến đi đặc biệt – đến với những trận địa ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ dọc tuyến đường.

Đã quen với những chuyến đi được tổ chức liên tục trong 10 năm qua nhưng mọi người vẫn mang cảm giác bồi hồi; ai nấy cẩn thận sắp xếp đồ lễ. Lễ nào dành cho nghĩa trang nào, số lượng bao nhiêu, cái nào trước, cái nào sau được phân loại tỉ mỉ để không sót bất kể nơi nào đoàn đi qua.

Đích đến đầu tiên của hành trình là Cột mốc Km0 nằm ngay điểm giao cắt giữa QL15A và QL15B (thuộc địa bàn thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Đây cũng là điểm đầu của đường Đông Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh nhánh Đông) huyền thoại. Quần thể Cột mốc Km0 này được xây dựng lại vào năm 2008 bằng nguồn vốn của dự án, nay trở thành một công viên nhỏ.

Nghĩa trang Đô Lương là điểm đến tiếp theo trên hành trình tri ân. Nơi đây quy tập hài cốt của các chiến sỹ thanh niên xung phong (TNXP) là những người con anh dũng của tỉnh Nghệ An tham gia mở đường trong chiến dịch giải phóng miền Nam.

Mọi người nghẹn ngào trước những bia đá ghi năm mất của các liệt sỹ TNXP chủ yếu trong hai năm 1965 và 1966 (những năm Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc). Lúc đó, các anh chị, cô chú chỉ ở độ tuổi mười chín đôi mươi. Anh chị em trong đoàn nhặt giấy rác và cỏ dại vương trên mộ và kính cẩn thắp lên đó nén hương thơm.

Trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch ở Khu IV, ngoài Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn là cái tên bi thương vì nằm ở điểm giao thông trọng yếu. Nơi đây, 12 nam nữ TNXP và 1 chiến sỹ bộ đội tắt lặng tuổi thanh xuân trong một trận bom ngày 31/10/1968.

Những năm gần đây, địa danh này đã được tôn tạo bằng những tấm lòng hảo tâm. Một quần thể các công trình tưởng niệm dần hình thành với dáng dấp bề thế, xứng tầm với những chiến công, sự hy sinh cao cả của hàng ngàn cán bộ công nhân viên ngành GTVT.     

Tại địa danh Hang Tám cô, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghe kể lại cái ngày 5 chiến sỹ pháo binh và 8 TNXP hy sinh sau một trận bom B52. 5 chiến sỹ pháo binh hy sinh ngay cửa hang, còn 8 TNXP chủ yếu là nữ bị khối đất đá đổ xuống vùi bên trong.

Đồng đội vẫn nghe tiếng các chị vọng ra yếu ớt nhưng sau 9 ngày thì tắt hoàn toàn, không cách gì cứu ra được. Nhiều bạn trẻ trong đoàn khi nghe đến đây không cầm được nước mắt.

Khi đến các nghĩa trang đường 9, Trường Sơn, quang cảnh để lại cho mỗi thành viên trong đoàn nỗi day dứt. Hàng chục ngàn ngôi mộ của các liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước trải rộng trên những ngọn đồi.

Trong những ngôi mộ đó có cả liệt sỹ còn chưa biết tên, người thân đến nay vẫn đang đi tìm hài cốt của các anh, các chị. Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng thỉnh thoảng lại nhắc anh chị em trong đoàn: "Mọi người thắp hương cố gắng đừng để sót mộ nào nhé!".

Những điểm dừng đặc biệt trên đường Hồ Chí Minh ảnh 1

Thăm tặng quà cho thanh niên xung phong huyện Vĩnh Linh – Quảng Trị

Hàn lại vết thương

Dọc miền Trung, đường Hồ Chí Minh kéo dài hàng trăm km, nằm trọn trong dãy Trường Sơn. Một điểm dừng chân đặc biệt tại Quảng Bình là đoạn qua suối cạn với tên gọi Khe Ve.

Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Lê Thanh Bình nói: "Đường trước đây vốn nhỏ, lại cong vòng theo vách núi vô cùng hiểm trở. Các cán bộ, kỹ sư Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải áp dụng phương án rọ đá neo để thi công. Đá được xếp trong rọ sắt bọc nhựa chống gỉ và được neo chặt vào sâu trong vách núi. Các rọ đá xếp cao hơn 15m tạo lên một bức tường thành vững chắc với đường đi bên trong. Toàn bộ con đường được đẩy ra ngoài tạo thành cánh tuyến rất đẹp cùng một bãi dừng chân rộng rãi cho các xe sau chuyến đi dài".

Chính tại ngã ba này, khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành mới có cửa khẩu Cha Lo, nơi trao đổi hàng hóa, giao thương với nước bạn Lào.

Đèo Đá đẽo cũng là một kỳ tích trong quá trình xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đây là khu vực đá phong hóa, bị bom từ, bom chậm nổ tàn phá kết cấu đá nên liên tục bị sạt trượt. Khi thi công, công nhân, kỹ sư phải khoan sâu vào lòng núi 35m, dùng neo thép kéo đất, cố định bằng lớp áo và khung bê tông. Từ dưới đường nhìn lên vách núi dựng đứng mới thấy hết sự kỳ công và sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân thi công vị trí này.

Ít ai biết, nhiều đơn vị tiền thân là các đơn vị thanh niên xung phong trong kháng chiến như Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 4, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5 là các nhà thầu chủ lực tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Ngoài thắp hương các nghĩa trang liệt sỹ, đoàn còn đến thăm hỏi, tặng quà cho cựu TNXP huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Đây là hai huyện có nhiều cựu TNXP của tỉnh Quảng Trị.

Bà Trần Thị Huyền, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Vĩnh Linh nói rằng, tình cảm và những phần quà của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã khiến cho các cựu TNXP thấy ấm lòng. Đó là nguồn động viên thiết thực cho cuộc sống vốn còn khó khăn của những cựu TNXP nơi đây.

Tổng giám đốc Lâm Văn Hoàng đáp lời: "Chúng cháu đến đây hôm nay vẫn là muộn. Những món quà của Ban dành cho các bác chỉ là chút tấm lòng muốn đền ơn đáp nghĩa, đó là tình cảm của anh chị em CBCNV Ban QLDA đường Hồ Chí Minh với những thiệt thòi không gì bù đắp được của các bác cựu TNXP".

“Biết bao xương máu của lớp người đi trước đã đổ xuống để đất nước được thanh bình. Mỗi chuyến đi về nguồn là một lần giáo dục thế hệ trẻ có ý thức vươn lên, làm chủ tiến bộ khoa học công nghệ để hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó" Ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).