Tiêm vaccine vẫn mắc
Bé Nguyễn Thị Diệu Phương (ở Q.Tân Phú, Tp.HCM) 4 tuổi nhập viện khi trên vùng da toàn thân có những nốt phỏng đã vỡ, tay bé gãi liên tục. Bác sĩ chẩn đoán bé bị thủy đậu thì mẹ của Phương rất băn khoăn: “Con em đã tiêm phòng khi được một tuổi rưỡi, sao có thể mắc bệnh được?”. Chị còn nhớ rất rõ mũi tiêm đó mất 300.000đ. Cũng chính vì suy nghĩ này, nên khi thấy bé sổ mũi, sốt nhẹ, lười ăn và có vài nốt đỏ trên da thì chị nghĩ con bị sốt phát ban.
Chị cho con nghỉ học, ở nhà tránh gió, kiêng nước để trị ban. Nhưng được 2 ngày, những nốt ban ở người con thành nốt phỏng, bé gãi và quấy khóc nhiều, chị mới đưa con tới viện. Rất may, bác sĩ bảo bé đã được tiêm vaccine thủy đậu nên bệnh không nặng như nhiều trẻ khác. Chị Phương chỉ lo những nốt phỏng đã vỡ ra sẽ để lại sẹo trên người bé. Không riêng bé Phương, nhiều trẻ đã được tiêm vaccine vẫn phải nhập viện vì dịch bệnh.
Câu hỏi được không ít người đặt ra là: Phải chăng vaccine không có tác dụng?
Giải thích về điều này PGS. TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng Trung tâm dịch vụ Khoa học Kỹ thuật và Y tế Dự phòng, Viện Dịch tễ Trung ương cho biết: “Y khoa gọi hiện tượng tiêm vaccine rồi vẫn mắc thủy đậu là breakthrough, trẻ bị mắc bệnh do tiếp xúc virus hoang dại sau khi đã tiêm ngừa. Nguyên nhân là do kháng thể giảm dần theo thời gian. Một số trẻ tiêm vaccine lúc cơ thể đang ốm yếu, suy dinh dưỡng hoặc tiếp xúc với virus bệnh trong khoảng 2 tuần sau tiêm cũng khiến cho vaccine giảm hiệu quả”.
Hai liều có tốt hơn một?
Trước tình trạng trẻ em tiêm một liều (theo đúng tiêu chuẩn tiêm chủng trước 2007 trên toàn thế giới) vẫn bị mắc bệnh, từ năm 2007, Ủy ban Khuyến cáo về Tiêm chủng Thực Hành Hoa Kỳ (ACIP ) khuyến cáo nên tiêm 2 liều vaccine thủy đậu cho trẻ em từ 1-12 tuổi (còn với trẻ từ 13 tuổi trở lên thì luôn tiêm 2 liều vaccine thủy đậu). Nguyên nhân là tại Mỹ, trong quá trình rà soát vấn đề tiêm chủng, các nhà chức trách ghi nhận vaccine giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh nhưng vẫn có hiện tượng trẻ đã chủng ngừa mà vẫn mắc. Đo đó họ đã đưa vào chương trình tiêm chủng 2 liều vaccine thủy đậu cho trẻ dưới 12 tuổi như người lớn.
Tại Việt Nam, vaccine phòng thủy đậu có hai loại Okavax (Pháp) và Varilrix (Anh). Từ 2010, nhà sản xuất vaccine Varilrix đã chính thức đưa ra khuyến cáo nên tiêm 2 mũi vaccine thủy đậu cho trẻ (mũi thứ hai cách mũi đầu khoảng 4-6 tuần) để tăng cường tác dụng phòng bệnh (với Okavax thì chưa). Tuy nhiên ở Việt Nam, không nhiều người biết đến thông tin này nên số lượng trẻ dưới 12 tuổi được tiêm nhắc lại vaccine thủy đậu rất ít.
Chúng tôi đã liên hệ với đường dây tư vấn của một số trung tâm tiêm chủng vaccine thì đều nhận được thông tin: “Trẻ chỉ tiêm một liều”. Đến khi hỏi “Nếu trước đây con tôi tiêm rồi, giờ tôi có thể tiêm lại cho cháu không” thì được trả lời “À, nếu có điều kiện thì tiêm càng tốt”.
Còn khảo sát của chúng tôi về phía phụ huynh cho thấy đa phần các bậc làm cha mẹ chưa rõ về thông tin tiêm hai liều. Chúng tôi đã đặt câu hỏi “Chị có biết trẻ em thì tiêm mấy mũi vaccine thủy đậu” thì có 98% bà mẹ trả lời “tiêm một mũi”, số còn lại trả lời “cho con tiêm lâu rồi không nhớ, sau khi tiêm mũi đầu tiên, nếu bác sĩ hẹn mũi thứ 2 thì cứ thế tiêm, không thì thôi”.
BS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho hay: “Chúng tôi cũng đang trong quá trình cụ thể hóa thông tin để khuyến cáo cho người dân hiểu thêm về mũi vaccine thủy đậu thứ hai cho trẻ. Nếu có điều kiện thì cha mẹ nên cho trẻ tiêm liều thứ 2 để đảm bảo chống lại dịch bệnh tốt hơn”. Vì giá vaccine thủy đậu cũng đắt và tỉ lệ trẻ “thoát” được bệnh chỉ nhờ 1 mũi khá cao nên việc tiêm liều vaccine thứ 2 vẫn ở dạng thông tin khuyến khích, chưa đưa vào lộ trình bắt buộc và cũng chưa có nghiên cứu trên quy mô rộng.
Về thời gian tiêm mũi nhắc lại, bác sĩ Hạnh cho hay, cha mẹ chủ động tiêm nhắc lại cho sau khi đã tiêm mũi đầu khoảng 5 năm. Nguyên nhân là sau 5 năm, số trẻ đã tiêm rồi có thể mắc nhiều hơn trong khoảng trước 5 năm và từ năm thứ 6 trở đi thì tỷ lệ mắc tăng dần.
3 không khi chăm trẻ thủy đậu
Những nhầm lẫn, ngộ nhận trong cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu là một phần khiến cho bệnh biến chứng nặng hơn, vì vậy bạn cần lưu ý:
- Không được dùngAspirinhạ sốt cho trẻ thủy đậu vì sẽ gây nguy cơ bị hội chứng Reye làm tổn thương gan, não nghiêm trọng, có thể tử vong. Nếu trẻ sốt, chỉ được dùng Paracetamol.
- Không được kiêng tắm: Kiêng tắm khiến trẻ ngứa nên gãi nhiều càng làm lây lan bệnh và nhiễm trùng.
- Không được bôi kháng sinh Tetracycline hay thuốc mỡ Penicillin, thuốc đỏ. Phải dùng thuốc xanh Menthylen bôi cho trẻ.