Tội phạm kinh tế, quan chức bỏ trốn:

Thượng tướng Lê Quý Vương: Có sơ hở trong quản lý cán bộ

TP - “Đối tượng phạm tội kinh tế đa phần là cán bộ công chức, viên chức, thậm chí là đảng viên... Có sơ hở trong quản lý cán bộ. Còn lỗi ở đâu, lỗi thế nào, tại sao như thế thì phải xem xét mới đánh giá, kết luận được”, bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 4/11, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trao đổi với phóng viên trước tình trạng một số đối tượng trong tầm ngắm trốn ra nước ngoài thời gian qua.

Khó quản đối tượng trong tầm ngắm xuất ngoại

Sau trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, vừa qua ông Vũ Đình Duy (Ủy viên HĐQT Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc PVTex), người được báo chí đề cập với những sai phạm cũng xin nghỉ phép, ra nước ngoài chữa bệnh. Với những đối tượng trong “tầm ngắm” lẽ ra cần phải được giám sát, có các giải pháp ngăn chặn nhất là việc xuất ngoại, ông nghĩ sao?

Thượng tướng Lê Quý Vương.

Công tác điều tra tội phạm về kinh tế thường gặp rất nhiều khó khăn. Công dân nào cũng có quyền được cấp hộ chiếu. Hộ chiếu phổ thông rất đơn giản, đi lại một số nước trong khu vực lại rất thuận lợi. Rồi tài khoản nước ngoài, thẻ xanh, một số người có thẻ APEC, có thể đi lại một số nước trong khu vực, nên cũng hết sức khó khăn. Còn quản lý xuất nhập cảnh thì chỉ quản lý công khai việc qua lại biên giới, sân bay thôi. Mà biên giới thì lại rất rộng, đường bộ, đường biển, tàu vận tải qua lại nữa, nên họ lợi dụng đi lại rất dễ dàng, ngăn thế nào được.

Bộ luật Hình sự quy định rất rõ, một người chỉ có tội khi bản án của tòa án có hiệu lực thi hành. Công an muốn bắt giữ người phải bắt quả tang, hoặc giữ khẩn cấp thì sau đó cũng phải báo cáo Viện kiểm sát phê chuẩn, nên rất khó để điều tra… Trong bối cảnh như vậy, lực lượng công an rất khó khăn. Chỉ đối tượng hình sự, có tiền án, nghi vấn vi phạm hình sự thì quản lý chặt chẽ được, còn đối tượng phạm tội kinh tế đa phần là cán bộ công chức, viên chức, thậm chí là đảng viên, làm sao tiến hành biện pháp quản lý như nhà báo nêu?

Từ những trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài như Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, hay Trịnh Văn Thảo (nguyên Tổng Giám đốc PVC-ME), Bộ Công an hẳn phải có giải pháp ngăn chặn, hoặc cấm xuất cảnh, thưa ông?

“Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Đó cũng là bản lĩnh của con người dám làm dám chịu”. 

Thượng tướng Lê Quý Vương

Vì rào cản có nhiều nên rất khó. Ngay như luật pháp Việt Nam và các nước cũng có quy định khác nhau. Một số nước chúng ta ký tương trợ tư pháp còn thuận lợi, song họ cũng phải bảo vệ quyền con người. Trong công tác quản lý về xuất nhập cảnh thì còn những bất cập. Giang Kim Đạt là trường hợp điển hình, khi Đạt trốn, lực lượng công an đã tiến hành truy tìm nhiều năm. Bắt Giang Kim Đạt không phải dễ dàng, bởi Đạt đã đi qua vài ba nước, cuối cùng bị bắt ở nước giáp ranh với mình.

Trước thời điểm (bị khởi tố) có thể đề xuất một số biện pháp, nhưng chưa chứng minh người ta phạm tội, chưa bị phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này, lý do kia để cấm được. Hiến pháp quy định rất rõ về quyền công dân. Công an phải tuân thủ pháp luật, không thể đề ra để hạn chế người ta được.

Vậy là đã có những bất cập hạn chế cần sửa đổi?

Đúng là có sơ hở trong quản lý cán bộ. Còn lỗi ở đâu, lỗi thế nào, tại sao như thế thì phải xem xét mới đánh giá, kết luận được.

Dương Chí Dũng sau khi bỏ trốn ra nước ngoài bị bắt đưa về Việt Nam. Ảnh: Thảo Nguyên.

Trịnh Xuân Thanh nên đầu thú để hưởng khoan hồng

Việc truy nã ông Trịnh Xuân Thanh có quy định thời hiệu không, thưa ông?

Bộ luật Hình sự quy định rất rõ về các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thời hiệu của lệnh truy nã, bỏ trốn là vô thời hiệu, tức không có thời gian kết thúc, sẽ phải truy bắt đến cùng. Ông Trịnh Xuân Thanh cũng thuộc trường hợp truy đến cùng, không có thời hiệu.

Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Đó cũng là bản lĩnh của con người dám làm dám chịu. Tôi cũng muốn nói điều đó với Trịnh Xuân Thanh. Ông ấy sinh ra trong một gia đình có truyền thống, bây giờ gây ra hậu quả như vậy phải chịu trách nhiệm. Luật pháp Việt Nam có lượng khoan hồng rất lớn. Con người Việt Nam cũng có truyền thống nhân đạo, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.

Trường hợp chưa bắt được Trịnh Xuân Thanh thì Bộ Công an có tách vụ án ra để xét xử kịp thời, đáp ứng mong mỏi của nhân dân?

Việc này còn tùy theo nội dung vụ án, tùy chứng cớ thu thập được. Tội tới đâu, mức độ tới đâu, điều tra tới đâu sẽ xử tới đó, rồi còn có thể xem xét tiếp. Đây là vụ án trọng điểm nên phải làm thấu đáo, giải quyết những vấn đề mà nhân dân đang đặt ra: Có đúng 3.300 tỷ đồng không, các đối tượng có sai phạm thế nào? Trước mắt đã phạm tội cố ý làm trái rồi, nhưng có tham ô, tư lợi không thì phải tiếp tục làm rõ.

Cảm ơn ông.