Thượng đỉnh Liên minh châu Âu bàn về Nga sau cuộc nổi loạn của Wagner

TPO - Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sườn phía đông của liên minh và tăng cường năng lực quốc phòng cho Ukraine.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu với báo chí trước khi diễn ra thượng đỉnh EU ngày 29/6. (Ảnh: AP)

Ông Zelensky phát biểu qua video, còn ông Stoltenberg dự bữa sáng với các lãnh đạo EU. Tuy nhiên, vấn đề được bàn bạc nhiều nhất không nằm trong chương trình chính thức: Tác động của cuộc nổi loạn do lực lượng quân sự tư nhân Wagner gây ra ở Nga cuối tuần trước.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng cuộc nổi loạn “có những dư chấn mà chúng ta sẽ thấy”.

Quan chức nhiều quốc gia thành viên và các cơ quan của EU cho rằng vụ nổi loạn của Wagner buộc EU phải tăng gấp đôi hỗ trợ cho Ukraine, với những cam kết viện trợ thêm vũ khí đạn dược, đồng thời bảo đảm xung đột và bạo lực không lan sang khối.

“Không có chỗ cho sự do dự”, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas phát biểu.

Ngay cả khi EU không đưa ra bất kỳ đảm bảo quân sự đầy đủ nào, quan điểm phổ biến là các nhà lãnh đạo cần sử dụng ngôn ngữ cứng rắn hơn trong kết luận hội nghị thượng đỉnh lần này.

AP dẫn dự thảo tài liệu cho biết, các lãnh đạo EU khẳng định họ “sẵn sàng đóng góp, cùng với các đối tác, vào các cam kết an ninh trong tương lai cho Ukraine, giúp Ukraine tự vệ trong dài hạn, ngăn chặn các cuộc tấn công và nỗ lực gây mất ổn định”.

Hầu hết thành viên EU cũng là thành viên của NATO. Tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra từ ngày 11-12/7, NATO sẽ tìm cách cung cấp cho Ukraine nhiều đảm bảo an ninh hơn nếu nước này không đủ tư cách trở thành thành viên NATO.

Các quốc gia EU đã cung cấp hàng tỷ đô la cho Ukraine, vừa để tăng cường năng lực quân sự, vừa đảm bảo nền kinh tế của nước này tiếp tục được duy trì. Các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét kỹ hơn việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga, ước tính khoảng 200 tỷ euro, cho mục đích đó.

Một số quốc gia lo ngại cơ sở pháp lý cho điều đó vẫn còn quá yếu, và Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo rằng việc tịch thu những tài sản của Nga hoặc lợi nhuận tích lũy từ đó có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho uy tín của đồng euro.

Theo AP