Thuốc lá mới, nhiều quốc gia chuyển từ cấm sang quản lý

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số 195 thành viên của tổ chức này, hiện có 184 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cung cấp hợp pháp thuốc lá nung nóng (TLNN), 88 nước quản lý thuốc lá điện tử (TLĐT) như thuốc lá điếu. Có 17 quốc gia cấm TLNN và 33 quốc gia cấm TLĐT.

Hiện ngày càng có thêm nhiều quốc gia chuyển đổi từ cấm sang cung cấp hợp pháp các mặt hàng này. Nguyên nhân được cho là do các quốc gia nhận thấy nếu không có sản phẩm hợp pháp, việc ngăn chặn thị trường chợ đen sẽ càng khó khăn, bên cạnh vấn đề tác hại đối với sức khỏe người dùng từ các nguồn hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng, cũng như nhiều hệ lụy xã hội khác.

Cần quan tâm đến nhu cầu người tiêu dùng

Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đã từng cấm TLNN, thực tế có không ít những nước đã chuyển hướng từ cấm sang quản lý như Uruguay, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand hay Bhutan .

Cụ thể, năm 2021 Uruguay đã bãi bỏ lệnh cấm để hợp pháp hóa TLNN cùng với sự đồng thuận của tất cả các Bộ trưởng. Bộ phận hành pháp nước này khẳng định, "lý do của việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với TLNN (với nguyên liệu thuốc lá khô) là do sản phẩm này đã được kiểm chứng khoa học đầy đủ".

Năm 2023, Đài Loan (Trung Quốc), Bhutan cũng hợp pháp hóa TLNN sau khi đã từng cấm sản phẩm này cùng với các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Năm 2024, Thái Lan sẽ có thể là quốc gia tiếp theo thay đổi lệnh cấm để đưa TLNN, thuốc lá mới vào quản lý chặt chẽ, với những động thái cho thấy sẽ có thay đổi đáng kể trong chính sách kiểm soát thuốc lá quốc gia. Cụ thể, Ủy ban Đặc biệt do Quốc hội Thái Lan thành lập từ năm 2023, vừa qua đã đề xuất 3 phương án mới: quản lý riêng TLNN; quản lý cả TLNN và TLĐT; hoặc sửa đổi tất cả luật và văn bản dưới luật liên quan để hình sự hóa việc sử dụng TLĐT. Giới chức Thái Lan cũng lên tiếng ủng hộ phương án quản lý thay cho cấm đoán. Dự kiến trong năm nay, Quốc hội Thái Lan sẽ thông qua đề xuất mới.

Cần sớm tháo gỡ nút thắt

Tại tọa đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá” ngày 1/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề Xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết: Các cơ sở, căn cứ khoa học đáng tin cậy thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm tiếp cận.

Thực tế, thông tin về TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác đang được trích dẫn chưa đầy đủ trên một số trang thông tin.

Cụ thể, một website có sự tham gia của tổ chức chống thuốc lá nước ngoài là HealthBridge Canada chỉ cung cấp thông tin các nước cấm hoàn toàn hoặc quản lý chặt TLNN, tuy nhiên chưa cung cấp thông tin về các quốc gia đã hợp pháp hóa hoặc thậm chí có chính sách nới lỏng đối với TLNN hơn so với thuốc lá truyền thống.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất năm 2024 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ: 175 quốc gia không cấm TLNN. Báo cáo này đồng thời đề cập một số quốc gia áp mức thuế cho TLNN thấp hơn hẳn so với thuốc lá truyền thống, mặc dù giá bán lẻ của sản phẩm này vẫn cao hơn.

Từ những bất cập về thông tin, không chỉ về khoa học và dữ liệu thực tiễn từ các quốc gia, các đại biểu cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, cần xem xét kỹ về việc đợi kết quả nghiên cứu khoa học trong nước rồi mới xây dựng quyết sách với thuốc lá mới.

Cho đến nay, việc cấm hay quản lý TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác vẫn chưa có quyết định sau cùng. Theo các đại biểu, cần sớm tháo gỡ nút thắt này bởi sự cần thiết có quyết sách cho các sản phẩm này đã được Chính phủ chỉ đạo từ năm 2017.