> Số ca ngộ độc thuốc cam tăng mạnh
> Dùng thuốc cam, hàng loạt trẻ ngộ độc
Không phải là một
Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), số ca ngộ độc chì do dùng thuốc cam tăng nhanh giai đoạn gần đây có thể liên quan dịch chân tay miệng. Nhưng TS Duệ khẳng định, bệnh tay chân miệng và bệnh cam miệng là hai loại bệnh khác nhau mặc dù đều xảy ra nhiều ở trẻ em và có những dấu hiệu gần giống nhau.
Sự giống nhau về triệu chứng có thể dẫn đến nhầm lẫn giữa hai loại bệnh trên, và có khả năng là nguyên nhân khiến nhiều người đổ xô đi mua thuốc cam, khiến ngộ độc chì tăng đột biến thời gian gần đây.
Dù đây là hai căn bệnh khác nhau và không dễ phân biệt nếu không có kiến thức, một nhà chuyên môn vẫn nêu mấy hướng dẫn sau đây để có thể nhận biết dễ hơn. Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, bệnh cam miệng trong đông y gọi là cam tẩu mã. Đây là loại bệnh xảy ra nhiều ở trẻ em với các triệu chứng trong miệng xuất hiện các vết hoại tử, lở loét, miệng hôi, lưỡi trắng, chảy dãi nhiều. Căn bệnh này trước đây xuất hiện nhiều ở trẻ em nhưng hiện nay thì hiếm gặp hơn. Đây là loại bệnh khó chữa. Đông y chủ yếu sử dụng các loại thuốc bôi trực tiếp lên các vết loét.
Còn bệnh chân tay miệng, ngoài dấu hiệu trong miệng xuất hiện các vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi thì ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông còn xuất hiện các phát ban dạng phỏng nước. Ngoài ra, trẻ còn có dấu hiệu sốt nhẹ, nôn.
Bệnh cam miệng khác bệnh chân tay miệng, do đó thuốc cam không chữa được bệnh kia.
Khó quản cơ sở thuốc gia truyền
Thầy lang bán thuốc cam cho gia đình có bé trai đầu tiên phát hiện ngộ độc chì do dùng thuốc chữa cam miệng (Tiền Phong ngày 5-11-2011) được xác định hành nghề trái phép.
Ông lang Nguyễn Văn Trân (Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội) không có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Theo ông Nguyễn Duy Hậu, Trưởng phòng Y tế huyện Phúc Thọ, trong bảng thống kê các cơ sở khám chữa bệnh dịch vụ đông y trên địa bàn huyện Phúc Thọ mới đây nhất, không thấy ai có tên Nguyễn Văn Trân.
Theo ông Hậu, việc quản lý các cơ sở dịch vụ y tế nói chung, trong đó có các cơ sở dịch vụ đông y được thực hiện qua các trạm y tế xã. Hằng năm, các trạm y tế xã làm công tác thống kê các cơ sở dịch vụ y tế tại địa bàn xã rồi gửi lên Phòng Y tế huyện tổng hợp.
Trường hợp ông Trân không có trong danh sách các cơ sở dịch vụ đông y, ông Hậu cho rằng có thể do bà Hà Thị Tú, Trưởng trạm Y tế xã Long Xuyên, quên ghi vào.
Còn bà Hà Thị Tú thì cho hay, ông Nguyễn Văn Trân (68 tuổi) là hội viên của Hội Đông y huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên, ông không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào. Việc bán thuốc chữa bệnh tại nhà của ông Trân cũng không công khai, không có bất kỳ bảng quảng cáo hay cửa hàng. Thế nên bà Hà mới quên báo cáo lên Phòng Y tế huyện Phúc Thọ.
Ông Hậu cho biết thêm, thực tế việc quản lý các cơ sở thuốc gia truyền rất khó khăn do các cơ sở này thường bán chui, không có bảng quảng cáo. Khi đoàn kiểm tra đến, họ thường giấu thuốc đi. Vì vậy, việc phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính gặp khó khăn.
Thêm một ca tử vong
Theo Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viên Nhi trung ương, bé trai Nguyễn Hữu Cường Quốc (6 tháng tuổi) ở Hưng Yên đã qua đời ngày 26-11 sau nhiều ngày hôn mê sâu do ngộ độc chì.
Trước đó, mẹ bé, chị Hoàng Thị Hương mua thuốc cam ở chợ của một thầy lang cho bé uống. Sau khi uống hết nửa gói, bé Cường Quốc có biểu hiện buồn nôn, co giật. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây bé được xác định ngộ độc chì với hàm lượng chì 136 mcg/dl, gấp hơn 9 lần mức cho phép. Đây là trường hợp thứ hai tử vong tại Hà Nội vì ngộ độc chì thuốc cam, sau trường hợp đầu tiên ở BV Bạch Mai.