Sáng 21/11, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo "Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các cơ quan hữu quan tổ chức.
Hội thảo là dịp để các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trao đổi trực tiếp, làm rõ, minh bạch các thông tin về ứng dụng công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh; Phát huy hiệu quả nguồn lực vốn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế mới. Đặc biệt là với các địa phương như Đà Nẵng có cơ hội thu hút đầu tư, các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận nắm bắt các thông tin liên quan, từ đó xây dựng chiến lược kế hoạch phù hợp và hiệu quả.
Với quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Đà Nẵng đã tích cực hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Đà Nẵng cũng đã triển khai hiệu quả đề án chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với xây dựng thành phố thông minh với 3 trụ cột là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, kỳ vọng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP thành phố.
Đồng thời, thành phố tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế về cơ hội huy động nguồn lực cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước trong thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0, hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.
Ông Đoàn Trường Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đang đối mặt với những thách thức lớn về nước biển dâng, thiên tai, thời tiết cực đoan và các ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc thúc đẩy đầu tư xanh và phát triển thị trường tài chính xanh trở thành một yếu tố then chốt trong hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero.
Theo ông Giang, để thực hiện các cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050 và cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển carbon thấp, Việt Nam đã xây dựng NDC với quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường BAU với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030.
"Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net zero tại Việt Nam sẽ giúp các nhà quản lý và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, đánh giá đúng hiện trạng phát triển hiện nay và xác định những hướng mới cũng như đề xuất các biện pháp mới để chung tay thực hiện mục tiêu đầu tư xanh, tài chính xanh, chuyển đổi xanh", ông Đoàn Trường Giang nói.