Thư World Cup: Nước Nga không chỉ có búp bê Matrioska

TP - “Ồ không! Cuộc sống của chúng tôi vẫn vậy thôi, chẳng có vấn đề gì với chuyện cấm vận cả…”, đây là câu chuyện giữa tôi với Sofia, trong hành trình từ Moscow tới Kazan. Tôi đã chia tay thủ đô nước Nga để tiến xa hơn về phía nam để được ngắm con sông Volga, con sông dài nhất Nga và cũng là dài nhất châu Âu.
Tác giả và vợ chồng Timur-Sofia trên hành trình từ Moscow tới Kazan.

Từ sân vận động Luzhniki, du khách có thể nhảy chuyến tàu điện ngầm Sportivnaya, qua độ 8 chặng để tới ga Komsomolskaya. Hôm qua, thủ đô Moscow không có trận đấu nào của World Cup 2018, chiếc thẻ FAN ID trở nên vô dụng. Khách phải bỏ ra 55 rúp để có vé tàu điện ngầm.

Ga Kazanskaia đặt ngay cạnh Komsomolskaya, nơi từ đây hàng loạt chuyến tàu toả đi các hướng. Mùa này ở Nga, vé tàu cũng như giá các dịch vụ khác đều tăng chóng mặt. Khách có thể sử dụng trang web của đường sắt Nga đặt vé tàu, rất nhanh chóng và tiện lợi.

Tôi sẽ không lãng phí thời gian của độc giả để mô tả vẻ đẹp của hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Moscow. Những ga tàu điện nằm sâu dưới lòng đất với kiến trúc độc đáo, bích hoạ tuyệt mỹ. Komsomolskaya được đưa vào sử dụng từ năm 1952, là một trong những ga đông khách nhất Moscow. Hệ thống tàu điện ngầm là một trong những điểm tham quan nổi tiếng ở thủ đô nước Nga.

Có rất nhiều hàng quán phục vụ đồ ăn nhanh, nước uống cho khách đi tàu ở Kazanskaia. Tại đây, tôi gặp UEDA Mitsuyuki, một CĐV đến từ Nhật Bản đang tranh thủ đi xem trận đấu giữa Tây Ban Nha và Iran tại Kazan. Anh cho biết chỉ xem một trận đấu của đội tuyển Nhật Bản, tới tham quan Saint Petersburg rồi từ đây trở về Nhật. Nhiều CĐV khi tới Nga đều tranh thủ ghé thăm Saint Petersburg, nơi thi hào Pushkin từng ở và cũng là quê hương của Tổng thống Vladimir Putin. Trên cả, Saint Petersburg đẹp đến nao lòng, như mô tả của một đồng nghiệp của tôi đã qua thành phố này.

Mitsuyuki không biết nhiều về HLV Toshiya Miura, hay chính xác hơn anh không để ý lắm tới việc HLV trưởng đội tuyển Việt Nam là ai. Tôi đã hơi thất vọng khi Mitsuyuki phải sử dụng công cụ tìm kiếm Google để tra tên người đồng hương. May quá! Anh vẫn nhận ra ảnh ông Miura.

Hành trình mới, những người bạn mới

Người Nga là những chủ nhà thân thiện, ít nhất so với những gì tôi từng lo lắng trước đó. Hầu hết những người tôi gặp đều cởi mở, dễ mến và sẵn lòng giúp đỡ khách. Sofia và chồng cô, Timur là những người như vậy.

Cả hai đều có thể nói giao tiếp bằng tiếng Anh, điều khá hiếm ở Nga. Có lẽ một phần vì yêu cầu nghề nghiệp, Timur là một kiến trúc sư còn Sofia làm trong một viện bảo tàng ở Moscow. Cả 2 có 1 tuần lễ về nhà ở Kazan để nghỉ ngơi. Hành trình 13 tiếng đồng hồ từ Moscow tới Kazan sẽ trở nên dài lê thê nếu thiếu những người bạn như vậy.

Sofia kể về những quán nhỏ ở Kazan, nơi khách có thể tận hưởng một ly nước hoa quả, một tách trà hoặc bữa điểm tâm với giá cả rất phải chăng. Cô cũng kể về mùa hè, khi những đứa trẻ có thể được bố mẹ cho vào rừng chơi. Rừng ở Nga thì xanh mướt cây và hoa.

Timur nói về thứ nước được “chích” từ thân cây bạch dương, mát ngọt tới chân răng. Cây bạch dương ở thời điểm phát triển, hút nước căng mình để vươn lên. Người ta có thể chích vào thân cây để lấy dòng nước trong mình nó làm thức uống. Tôi từng được một người bạn Việt Nam kể về loại đồ uống này của người Nga, có lưu ý không để lâu vì sẽ bị lên men.

“Cấm vận của Mỹ à? Ồ không! Cuộc sống của chúng tôi vẫn vậy thôi, chẳng có vấn đề gì với chuyện cấm vận cả. Chúng tôi cũng không quan tâm tới chính trị lắm đâu, vì còn nhiều thứ quan trọng hơn phải lo”-Sofia nói nhỏ nhẹ. Có thể là thực, cũng có thể vì lòng tự tôn, nhiều người Nga tôi gặp cũng trả lời như vậy khi được hỏi về ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Nga. Điều này trái hẳn với than phiền của người Việt Nam ở Moscow: đồng rúp mất giá, phí đội lên nhiều lần…

Con tàu cứ vun vút lao về phía trước, hai bên đường những hàng cây xanh mướt mắt, những cánh đồng trải dài tới vô tận. Ba tiếng nữa thì tới Kazan, bên trái tàu, trải dài những thảm hoa tím, vàng xen nhau, nối tới hàng chục km.

Tàu sạch sẽ, đồ đạc được bố trí ngăn nắp, có nước nóng cho khách sử dụng nhưng chuyến tàu của tôi không phục vụ đồ ăn. Đành dằn bụng bằng một quả táo vậy. Khi Timur đập vào chân tôi lay dậy, cửa trái tàu hiện ra con sông Volga, xanh thẫm, mênh mông.