Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 2915/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng theo phản ánh của báo Tiền Phong số ra ngày 4/5/2022, về bài viết “Hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà trọ: Hơn 1 tháng chưa giải ngân được đồng nào”.
Bài báo phản ánh, đã hơn 1 tháng từ khi chính sách hỗ trợ NLĐ tiền thuê trọ có hiệu lực, tới nay, các địa phương vẫn chưa giải ngân được khoản tiền này tới tay NLĐ. Thậm chí, nhiều địa phương còn chưa có hướng dẫn triển khai thực hiện.
“Về việc này, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, theo quy định tại Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng”, văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu.
Đa số địa phương có khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, thuộc vùng kinh tế trọng điểm (được hưởng chính sách) đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Quyết định 08.
Dù vậy, đa số địa phương mới cơ bản dừng ở bước chờ doanh nghiệp tổng hợp đề nghị hỗ trợ của NLĐ. Một số địa phương đã khảo sát, thống kê sơ bộ số lượng NLĐ thuộc diện hỗ trợ và số tiền dự kiến chi hỗ trợ tiền thuê nhà trọ theo Quyết định 08.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho hay, các địa phương đang triển khai tới doanh nghiệp để tổng hợp đề nghị hỗ trợ của NLĐ và xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, tới nay cũng chưa có số liệu giải ngân được gửi về Sở để tổng hợp. Theo tổng hợp sơ bộ của Sở, toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 800.000 NLĐ đang thuê nhà thuộc diện hỗ trợ, trong đó hỗ trợ NLĐ đang làm việc khoảng 700.000 người, tổng tiền hỗ trợ khoảng 1.050 tỷ đồng, (500.000 đồng/người/tháng, trong 3 tháng); và hỗ trợ khoảng 100.000 người quay trở lại thị trường lao động, tổng số tiền khoảng 300 tỷ đồng (1 triệu đồng/người/tháng, trong 3 tháng).
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho NLĐ theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng chính thức có hiệu lực từ ngày 28/3. Trong đó, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với NLĐ đang làm việc mức 500.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ NLĐ trở lại thị trường lao động 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, chi trả hằng tháng, tính cho thời gian thuê trọ từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; nhận hồ sơ muộn nhất ngày 15/8.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, theo phản ánh của NLĐ và doanh nghiệp, một số NLĐ khó hoặc không xin được xác nhận đang thuê trọ của chủ nhà; nhiều chủ nhà trọ không ở địa phương, chỉ nhờ hoặc thuê người khác trông coi và thu tiền hộ, những người này lại từ chối thay chủ nhà trọ ký xác nhận cho NLĐ; nhiều doanh nghiệp chờ nhận đề nghị của tất cả NLĐ có nhu cầu sau đó mới gửi hồ sơ sang cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận và trình UBND cấp huyện đề nghị chi hỗ trợ một lượt, thay vì nhận đề nghị của NLĐ tới đâu gửi hồ sơ tới đó...
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho hay, dự kiến toàn tỉnh có khoảng 440.000 NLĐ đang thuê nhà thuộc diện được hỗ trợ, tổng kinh phí khoảng 720 tỷ đồng. Trong đó có 400.000 NLĐ thuê nhà trọ đang làm việc, tổng tiền hỗ trợ khoảng 600 tỷ đồng; khoảng 40.000 NLĐ trở lại thị trường làm việc, số tiền hỗ trợ khoảng 120 tỷ đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long, dự kiến có khoảng 14.000 NLĐ thuộc diện hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, tổng số tiền hỗ trợ trên 23 tỷ đồng. Trong đó, hơn 12.600 người đang làm việc (tiền hỗ trợ trên 19 tỷ đồng), và hơn 1.500 người trở lại thị trường (hỗ trợ khoảng 4,5 tỷ đồng). Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam dự kiến hỗ trợ trên 14.000 NLĐ thuê trọ, số tiền trên 25,5 tỷ đồng, trong đó đa số NLĐ đang làm việc. Thanh Hóa rà soát, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ hơn 19 tỷ đồng, để hỗ trợ trên 9.000 NLĐ. Đắk Lắk dự kiến hỗ trợ khoảng 1.400 NLĐ, tổng số tiền khoảng 2,4 tỷ đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang toàn tỉnh có trên 90.000 NLĐ thuộc diện hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, tổng số tiền khoảng 138 tỷ đồng (đa số nhóm NLĐ đang làm việc). Hải Dương dự kiến hỗ trợ khoảng 30.000 NLĐ, tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng; Thái Nguyên dự kiến hỗ trợ khoảng 26.000 NLĐ, số tiền trên 45 tỷ đồng...