Chiều 5/6, tại TPHCM, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao diễn ra với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao như: Uỷ viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa…
Tham dự Diễn đàn còn có khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đại sứ quán, lãnh sự quán; các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, diễn giả; đại diện các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Phát biểu chào mừng diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết dưới tác động của dịch COVID-19, TPHCM là địa phương có mức độ lây nhiễm nặng, các hoạt động kinh tế xã hội suy giảm nghiêm trọng. Ngay khi tình hình được cải thiện, thành phố đã xây dựng và triển khai chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, diễn đàn là dịp để các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tại thành phố hiểu sâu hơn, cùng chia sẻ những thiệt hại, tổn thất nặng nề mà thành phố đã trải qua cũng như chứng kiến những nỗ lực mà cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố đang khẩn trương thực hiện để sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
"Đây là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc vào đối tác bên ngoài sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác" - ông Mãi khẳng định.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ, do đại dịch COVID-19 gây nên. Tăng trưởng kinh tế dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây, hàng triệu người lao động bị mất việc làm.
Không những thế, hàng ngàn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để chống dịch, ngành du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn và nhiều ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, thị trường vốn và thị trường bất động sản có những biến động bất thường, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích cấu trúc liên ngành I-O cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu; đóng góp vào tăng trưởng mặc dù đã tăng từ 34,3% giai đoạn 2011-2015 lên 45,9% giai đoạn 2016-2020 nhưng trong cơ cấu, vai trò của khoa học công nghệ chỉ đóng góp ở mức khiêm tốn là 28,44%.
Theo ông Trần Tuấn Anh, kinh tế cả nước quý 1/2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt trên 5%. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh, niềm tin của các nhà đầu tư tăng mạnh. Cách đây hơn một tuần, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc, và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5 - 7% từ năm 2023.
"Những kết quả về phát triển kinh tế xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch" - ông Trần Tuấn Anh nhận xét.
Tuy vậy Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra, tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột Nga - Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Theo ông Trần Tuấn Anh, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong đó, độc lập, tự chủ của nền kinh tế cần được xây dựng trên cơ sở cân bằng và củng cố nội lực, đồng thời phát huy, tận dụng được những cơ hội từ bên ngoài mang tới.
“Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và đặc biệt là khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài” – ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.