Sáng 19/11 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022).
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: “Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, tôi thân ái gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất”.
Theo Thủ tướng, chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta những năm qua được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Học sinh Việt Nam đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, tự chủ đại học được thúc đẩy, một số trường của Việt Nam được xếp vào tốp 500 trường đại học tốt nhất châu Á và tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới. Giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, nhiều năm liền Việt Nam nằm trong TOP 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại cuộc thi Kỹ năng nghề ASEAN.
"Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai. Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết, cống hiến với nghề; có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh", Thủ tướng bày tỏ.
Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo
Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều thời cơ, vận hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách mới. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.
Đối với đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”. Mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của đất nước.
“Thầy cô chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của nước ta”, Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Vì lý lẽ đó, mong thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức, luyện tài, tâm huyết, yêu nghề, yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng chuyên môn, năng động, linh hoạt có cách tiếp cận mới trong dạy và học; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên.
Các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm; về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; về khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt khó; về đạo đức, tác phong, lối sống, tính nhân văn, nhân ái, tinh thần đoàn kết, kỷ luật...
Bên cạnh đó, các thầy, các cô cũng như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của các cháu; khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn phụ huynh và học sinh phải luôn tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, đồng hành với thầy cô; đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng dạy dỗ các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội.
Dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại…, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.
Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo sẽ khắc phục khó khăn, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh.
"Không có sự vinh quang nào là tự nhiên tới"
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề.
Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24 nghìn người có học vị tiến sĩ, hơn 43 nghìn phó giáo sư, và 550 giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú.
Bộ trưởng bày tỏ lời cảm ơn của toàn thể nhà giáo tới toàn xã hội, tới tất cả quý vị phụ huynh, cảm ơn hàng chục triệu học sinh. “Tôi muốn dành sự cảm ơn đặc biệt tới người học, vì lẽ không trò đố thầy làm nên” - Bộ trưởng chia sẻ
Thay mặt cán bộ quản lý, giáo viên cả nước, Bộ trưởng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những sự quan tâm, chỉ đạo định hướng ở tầm vĩ mô và cả những việc thiết thực cụ thể như tăng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên, những chính sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trường lớp và các điều kiện làm việc.
"Không có sự vinh quang nào là tự nhiên tới. Không có vinh quang nào đạt được một cách dễ dàng. Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn