Thư tay thay công nghệ số

TP - Sau những giờ tập luyện căng thẳng, các chiến đấu viên (CĐV) và chiến sỹ Đội Trinh sát (Đoàn B29, Binh chủng Đặc công) lại viết thư tay thay cho việc lạm dụng công nghệ số.
Lính trẻ viết thư và đọc thư Ảnh: BP
Lính trẻ viết thư và đọc thư. Ảnh: BP.

Trung úy Nguyễn Văn Vạn (quê Thái Bình) là người hâm nóng lại phong trào viết thư tay tại đơn vị. Anh tâm sự: Viết thư tay giúp chúng ta chuyển tải được tình cảm sâu sắc hơn là sử dụng công nghệ số (điện thoại di động, thư điện tử). Theo anh Vạn, những lá thư viết tay còn là vật kỷ niệm của mỗi người, nhất là người trẻ.

Mở ba lô ra, trung sỹ Trịnh Duy Cốp (quê Thanh Hoá) khoe hàng tập thư từ ngày nhập ngũ. Mới bước sang năm thứ 2, nhưng Cốp đã sở hữu gia tài gần 70 lá thư của gia đình, bạn bè và người yêu. Tất nhiên, Cốp cũng hồi âm số lượng thư tương đương.

“Tiêu chuẩn của bọn em mỗi tháng được cấp 4 con tem, như vậy bình quân mỗi tháng em viết 4 lá thư, có tháng nhiều hơn. Đôi khi nhớ bạn gái quá, em gửi riêng cho nàng 3 lá thư/tháng”, Cốp tâm sự. Được biết, Cốp có sở thích viết thư từ khi được đọc lá thư của hai người lính là bố và bác ruột gửi cho nhau. “Viết thư so với gọi ĐTDĐ không chỉ tiết kiệm mà còn tha hồ múa bút, gửi được nhiều tình cảm về cho người yêu”, Cốp nói.

Quê Bắc Giang, đóng quân ở Bình Dương nên nỗi nhớ người vợ trẻ cứ da diết trong lòng Thiếu úy Đỗ Đức Đô. Mỗi năm được về phép 30 ngày cũng chẳng thấm vào đâu so với 11 tháng xa cách.

Những CĐV như anh không thuộc đối tượng được sử dụng ĐTDĐ nên viết thư là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để gửi gắm tình yêu, nỗi nhớ của mình về cho bà xã. “Ngày còn đang yêu, mỗi tuần mình tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ viết cho nàng có khi đến 3 lá thư. Bây giờ thành vợ chồng rồi mình vẫn giữ thói quen mỗi tuần 1 lá thư gửi về”, Đô kể.

Chàng trai Hà Nội, CĐV, thiếu úy Nguyễn Xuân Hòa đã phục vụ quân đội được 8 năm và vẫn duy trì sở thích viết thư. Hòa tâm sự: “Sau một tuần tập luyện mệt mỏi, vui nhất là được nhận thư của người thân và hồi âm cho mọi người. Viết thư không giống nhắn tin bằng ĐTDĐ hay email. Cả người viết và người nhận mỗi khi đọc thư của nhau đều cảm thấy như đang được ở bên nhau”.

Chính trị viên Đội trinh sát, trung úy Phạm Hải Đăng cũng thường xuyên viết thư gửi cho 2 mẹ con cu Tí ở quê. Anh tâm sự: “Tất cả lá thư viết từ khi yêu nhau đến bây giờ, vợ chồng mình vẫn luôn trân trọng cất giữ. Đợt phép vừa rồi về thăm nhà, thấy một chồng thư của mình gửi cho bà xã được xếp ngay ngắn trong góc tủ, mình cảm động quá…”.

Theo Báo giấy