“Vì chúng tôi chuẩn bị đầu hàng, chúng tôi thúc giục các sinh viên rút lui, thôi cắm rễ sâu vào cộng đồng và thay đổi phong trào”, ông Benny Tai, một trong ba thủ lĩnh đầu tiên của phong trào Chiếm trung tâm, nói. Tuyên bố được đưa ra sau khi hàng trăm sinh viên đòi dân chủ xung đột với cảnh sát đêm Chủ nhật, khiến vài chục người bị thương. Đây là đợt bạo lực tồi tệ nhất từ khi phong trào bắt đầu hơn hai tháng trước.
Ông Tai cùng hai ông Chan Kin-man và Chu Yiu-ming khởi xướng phong trào Chiếm trung tâm đầu năm 2013 để kêu gọi cải cách chính trị, nhưng sau đó lui dần khi các nhóm sinh viên biểu tình nổi lên. Trong khi đó, các thủ lĩnh sinh viên biểu tình Hong Kong hôm qua tuyên bố sẽ biểu tình tuyệt thực “không thời hạn” để ép chính quyền phải đối thoại thêm, sau khi các cuộc đụng độ với cảnh sát khiến phong trào của họ rơi vào khủng hoảng. Joshua Wong, gương mặt đại diện của phong trào sinh viên đòi dân chủ, và hai thành viên nữ của nhóm sinh viên Scholarism tuyệt thực từ hôm 1/12.
“Chúng tôi hy vọng sau cuộc biểu tình tuyệt thực, chúng tôi sẽ có cơ hội đối thoại với các quan chức chính quyền một cách cởi mở. Sau đó sẽ có cơ hội giải quyết vấn đề của Hong Kong”, Wong, sinh viên 18 tuổi, nói với báo giới. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào việc tái khởi động tiến trình cải cách chính trị”, Wong phát biểu 12 giờ sau khi bộ ba tuyệt thực. Tuy nhiên, Wong thừa nhận cậu không thể bảo đảm hành động tuyệt thực này có thể giúp họ đạt được yêu cầu hay không. “Vào lúc này, tôi biết rằng, biểu tình tuyệt thực có thể không có nhiều tác dụng, nhưng tôi muốn dùng cơ thể mình để khiến mọi người tập trung trở lại vào phong trào”, Wong viết trên Twitter hôm qua.
Bộ ba tuyệt thực ngay trong các lều bên ngoài trụ sở chính quyền và các bức ảnh chụp được cho thấy họ đang run rẩy khi nhiệt độ ở Hong Kong đang xuống thấp. Đáp lại lời kêu gọi rút lui, Wong nói: “Vào thời điểm này, chúng tôi sẽ không quyết định việc có rút lui hay không”. Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh hôm qua thúc giục người biểu tình tự chăm lo cho mình.
Bắc Kinh, London căng thẳng
Tình hình bế tắc ở Hong Kong cũng khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và London căng thẳng sau khi một nhóm nghị sĩ Anh bị chính quyền Trung Quốc từ chối cho vào Hong Kong và còn bị đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc chuyến thăm của họ là “công khai đối đầu”. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Anh The Telegraph, bà Anson Chan, cựu quan chức Hong Kong và cũng là nhân vật nổi bật trong phong trào đòi dân chủ, nói rằng, bà thấy bị sốc khi biết Bắc Kinh cấm nhóm nghị sĩ thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh đến thuộc địa cũ vào cuối tháng này.
Được coi là “người đàn bà thép” của Hong Kong, bà Chan thúc giục Thủ tướng Anh David Cameron theo đuổi vấn đề này với lãnh đạo Trung Quốc, và cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng thể hiện “sức mạnh cơ bắp” khi đưa ra lệnh cấm. Ông Cameron trước đó cũng nói rằng, quyết định của Bắc Kinh là “nhầm lẫn”. Quan chức ngoại giao Trung Quốc từng thúc giục các nghị sĩ Anh phớt lờ bà Chan và ông Martin Lee, một nhân vật nổi bật khác trong phong trào đòi dân chủ, khi hai người này đến Anh vào tháng 7.
Bắc Kinh vẫn bác bỏ chỉ trích nhằm vào quyết định của họ. “Nếu người nào đó ở Anh vẫn muốn tiếp tục như vậy, điều đó không chỉ phi lý và vô dụng mà còn giống như việc lấy đá ghè chân mình”, AP dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm qua.
Ngày 2/12, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh bác bỏ đề nghị của các thủ lĩnh sinh viên về việc tổ chức một vòng đàm phán khác về cải cách chính trị, Xinhua đưa tin. Hình thức đấu tranh nào cũng vô ích, bầu trưởng đặc khu theo hình thức phổ thông đầu phiếu chỉ có thể được thực hiện theo Luật Cơ bản và quyết định của Quốc hội Trung Quốc, ông Lương nói.