Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, nguyên trưởng ban Đào tạo, ĐH quốc gia Hà Nội, trong thời đại cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, tìm được một người vừa giỏi, vừa năng động, vừa tâm huyết với công việc rất khó. Chính vì vậy, với cơ quan tuyển dụng nhà nước, đừng coi thường và rũ cho sạch để những người giỏi đi hết. Nếu thế, cuối cùng chỉ còn lại cát và sỏi.
Liên quan đến chuyện thủ khoa từ chối về cơ quan nhà nước, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng hiện tượng các thủ khoa không thích về làm việc tại các cơ quan nhà nước có thể hiểu thảm đỏ trải ra nhưng không đúng nguyện vọng.
“Đối với các thủ khoa, mong muốn lớn nhất của họ là được cống hiến và phục vụ. Vấn đề là được làm đúng ngành, đúng nghề, đúng nguyện vọng. Nếu không đáp ứng được điều này thì thảm có đỏ nữa họ cũng không về” – PGS. Nguyễn Văn Nhã nói.
Chính vì vậy, ông khẳng định có chính sách để thu hút thủ khoa là đúng. Nhưng chính sách đó phải phù hợp với nguyện vọng mà thủ khoa đang mong muốn như điều kiện làm việc, chỗ làm việc, môi trường làm việc. Còn những thứ khác có thể xếp sau. Chính sách đãi ngộ cũng phải rất mềm dẻo.
Thời đại bây giờ, trước áp lực của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các nhà tuyển dụng tìm được một thủ khoa vừa nhiệt huyết, vừa giỏi, vừa năng động thì quý vô cùng. Vì vậy, phải đãi cát tìm vàng.
“Do đó, tôi cho rằng các cơ quan tuyển dụng đừng coi thường rũ sạch mà họ đi mất. Nếu thế, cuối cùng chỉ còn cát và sỏi. Đào tạo được một người giỏi thì rất vất vả. Giống như một người mẹ sinh ra được một đứa con vừa giỏi giang vừa xinh đẹp. Vì nhân sinh vốn vô thập toàn. Thế nên đó có thể coi là những viên kim cương” – PGS. Nguyễn Văn Nhã khẳng định.
Tuy nhiên, về phía các thủ khoa, ông cho rằng, các thủ khoa cũng cần phải biết rằng bất cứ một danh hiệu gì cũng chỉ là hình thức bên ngoài. Kể đoạt huy chương Olympic, kể cả thần đồng thì đó chỉ danh hiệu được phong tặng. Còn nếu bản thân các thủ khoa không cố gắng, không phấn đấu thì năng lực đó, tài năng đó rất dễ bị lụi tàn.
Nên đừng lợi dụng danh hiệu nọ, danh hiệu kia để đưa ra đòi hỏi. Vì danh hiệu nào cũng không cao bằng năng lực thực tế. Bởi vì, thời đại hiện nay, tất cả những gì có thể mua được danh vọng thì đều phù phiếm. “Vì vậy, các bạn không nên ỉ lại vào những danh hiệu đó. Kể cả có được 700 điểm TOFEFL thì các bạn cũng không phải là người giỏi tiếng ngoại ngữ. Vấn đề là bạn có lợi hơn người khác là bạn có thêm một chứng chỉ công nhận một giai đoạn bạn cố gắng. Từ xuất phát điểm đó, phải cố gắng nhiều hơn các người khác” – PGS. Nguyễn Văn Nhã dặn dò.
Liên quan đến sự kiện thủ khoa thất nghiệp vừa qua, TS. Đàm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây cho biết ông từng đi và nghiên cứu nhiều nền giáo dục khác nhau, tôi biết ở nước ngoài, thủ khoa tốt nghiệp một trường đại học sẽ được chào đón từ khi biết sinh viên đó có khả năng trở thành thủ khoa. Vì sao lại như vậy? Bởi lẽ, thủ khoa chính là sản phẩm tốt nhất, giá trị cao nhất của một trường đại học. Còn ở ta thì thủ khoa không được chào đón như vậy? Vì sao?
Vì sản phẩm tốt nhất nhưng lại không đúng đòi hỏi của thị trường lao động, điều này chứng tỏ ở đâu đó trường đại học đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội. “Từng phỏng vấn nhiều ứng viên ở những vị trí khác nhau, tôi thấy rằng sinh viên Việt Nam khá thụ động, không ít sinh viên vô cùng rụt rè. Có những trường hợp đã tốt nghiệp đại học ở ngưỡng tuổi gần 30 nhưng khi đi xin việc bố mẹ vẫn phải dắt đi” – TS. Đàm Quang Minh nêu thực tế.
Ông còn cho biết thậm chí, nhiều phụ huynh còn xin được ngồi cùng con trong buổi phỏng vấn để có cơ hội nói đỡ cho con. Việc thiếu cập nhật chương trình đào tạo chuyên môn ở trường cùng tình trạng bao bọc, che chở quá kỹ của cha mẹ khiến sinh viên Việt Nam khó đối mặt, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong quá trình tìm kiếm việc làm.