Thu hút vốn từ PPP tạo nhiều dự án lớn ở TPHCM

TP - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị tổng kết tình hình thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) diễn ra ngày 14/6.
Dự án chống ngập do triều cường có xét đến biến đổi khí hậu được TPHCM thực hiện theo hình thức PPP với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM Nguyễn Thị Thu Hoa, trước khi triển khai Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), TPHCM có 18 dự án đầu tư theo hình thức khác BOT, BT, BTO, BOO với tổng mức đầu tư hơn 59.200 tỉ đồng. Một số dự án tiêu biểu đã hoàn thành đưa vào sử dụng là cầu Phú Mỹ (BOT) với tổng vốn đầu tư 2.914 tỉ đồng; cầu Sài Gòn 2 với tổng vốn đầu tư 1.827 tỷ đồng…

Từ năm 2015 đến nay, TPHCM đã kêu gọi, hoàn tất ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện 5 dự án PPP với tổng mức đầu tư khoảng 11.902 tỷ đồng. Hiện nay, TPHCM có 130 dự án đang thực hiện theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 380.947 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang, phát triển đô thị có 93 dự án; lĩnh vực thương mại – dịch vụ có 2 dự án; lĩnh vực giáo dục 4 dự án; y tế 14 dự án; văn hóa thể thao có 17 dự án.

Trong giai đoạn 2017-2020, TPHCM tiếp tục kêu gọi đầu tư theo PPP đối với 116 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến là 136.714 tỷ đồng. Để thu hút các nhà đầu tư, bà Hoa kiến nghị UBND TPHCM chuẩn bị nguồn đất “sạch” để tạo nguồn vốn đối ứng, đồng thời cho phép nhà đầu tư được thanh toán dự án BT (xây dựng – chuyển giao) tại vị trí hiện hữu thông qua các giá trị gia tăng lợi ích từ việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (như chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng, tầng cao công trình,…) tạo điều kiện để nhà đầu tư xây dựng các công trình tiện ích phụ trợ khác để kinh doanh thu hồi vốn.

“Đa số các dự án BT đều hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và không phát sinh chi phí. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất thanh toán các dự án BT không đủ để đáp ứng. Việc tìm kiếm các quỹ đất có giá trị tương đương với chi phí đầu tư để thanh toán rất khó khăn. Các khu đất dự kiến dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT đều chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng”, bà Hoa lưu ý.

Theo ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), đến nay TPHCM có 23 dự án theo hình thức PPP đã ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 71.172 tỷ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường. Hiện nay, HFIC đang xúc tiến chuẩn bị các thủ tục triển khai thực hiện 32 dự án theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư hơn 74.810 tỷ đồng, trong đó vốn của HFIC tham gia khoảng 12.819 tỷ đồng.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết hơn 20 năm thu hút đầu tư, và hơn hai năm thực hiện nghị định mới của Chính phủ về hợp tác đầu tư PPP, mô hình này đã mang lại lợi ích rất lớn trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp.

Ông Phong cho rằng, trong giai đoạn mới trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, PPP được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư hạ tầng, và là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

“Dù số dự án PPP chỉ chiếm khoảng 5% tổng số dự án đầu tư công của thành phố, nhưng nguồn vốn huy động gấp năm lần nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2011-2015. PPP chính là một trong những giải pháp phù hợp với các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TPHCM. Vừa qua, thành phố ban hành rất nhiều chính sách và đang nghiên cứu thành lập Quỹ bù đắp tài chính, nhằm tạo nên môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Hơn 20 năm thu hút đầu tư, và hơn hai năm thực hiện nghị định mới của Chính phủ về hợp tác đầu tư PPP, mô hình này đã mang lại lợi ích rất lớn trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong