Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) ủng hộ đề xuất của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc thành lập Ban chỉ đạo chuẩn bị khai thác sân bay Long Thành và các tổ nghiệp vụ nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện khai thác, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị khi đưa vào khai thác sân bay.
Cục HKVN kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến đề nghị ACV tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan về việc cử nhân sự tham gia Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, đồng thời rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định pháp luật để triển khai, thực hiện các hợp phần của sân bay Long Thành.
Theo ACV, khoảng 2 năm nữa, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ cần trên 13,7 ngàn lao động. Trong đó, lao động trình độ tiến sĩ và thạc sĩ là 410 người; lao động trình độ đại học là gần 5.400 người; trình độ cao đẳng và trung cấp là hơn 2.200 người; lao động phổ thông là hơn 1.900 người; ngoài ra là các vị trí làm việc liên quan đến quản lý, vận hành cảng hàng không và các dịch vụ khác.
ACV cho biết, hiện nay các gói thầu như nhà ga, đường cất hạ cánh, đường T1-T2... tiến độ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng gói thầu đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ vượt tiến độ hơn 2 tháng, dự kiến đưa vào khai thác từ 30/4/2025. Còn gói thầu nhà ga hành khách đã xong phần thô.
Dự kiến, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ có khoảng 70.000 lượt hành khách đi lại giữa sân bay Long Thành với TPHCM. Do vậy, ACV kiến nghị tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ sớm được mở rộng.
Mới đây, trong phiên Quốc hội tại thảo luận tổ về Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh về quy mô, thời gian thực hiện giai đoạn 1 dự án theo hướng bổ sung thêm một đường cất hạ cánh - đường cất hạ cánh số 3 và “nới” tiến độ hoàn thành sang cuối năm 2026 thay vì cuối năm 2025 như hiện nay.
Sân bay Long Thành được thiết kế để đạt tiêu chuẩn quốc tế 4F, cấp độ cao nhất trong hệ thống xếp hạng của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Tiêu chuẩn 4F cho phép sân bay đón các máy bay lớn như Airbus A380 và Boeing 747-8, đáp ứng nhu cầu vận chuyển lớn. Hạ tầng hiện đại đảm bảo an toàn và hiệu suất tối ưu cho các chuyến bay tầm xa.
Ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, Long Thành luôn có quãng đường ngắn nhất với cùng tuyến đường bay như vậy từ các sân bay trong khu vực Đông Nam Á.