Thời gian ngừng trôi ở chứng tích cầu Nhe, nơi 53 liệt sĩ hy sinh
TPO - 54 năm trước, trên đường hành quân qua cầu Nhe (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) 53 chiến sĩ đã hy sinh do bị bom Mỹ đánh trúng. Nơi tuổi xuân các anh nằm lại chỉ còn một phần mố cầu hiện hữu giữa dòng sông Nhe như một chứng tích không thể xoá nhoà.
Cầu Nhe - nơi ghi dấu sự hy sinh của 53 chiến sĩ do bom Mỹ đánh trúng vào ngày 15/4/1968, thuộc địa phận xã Vĩnh Lộc (nay là Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Cây cầu bắc qua sông Nhe là cửa ngõ quan trọng, huyết mạch giao thông nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.
Lịch sử ghi lại, vào chiều 15/4/1968, các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử (Đoàn 1019) Quân khu 3 - Bộ Tư lệnh thành phố Hải Phòng đang trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam. Khi đoàn quân đang hành quân qua cầu Nhe thì bị máy bay Mỹ phát hiện và thả bom trúng đội hình. Tất cả 53 chiến sỹ đã ngã xuống khi chưa đầy 20 tuổi, họ vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Can Lộc. Trong ảnh chứng tích cầu Nhe còn hiện hữu giữa dòng sông, cạnh đó là cây cầu Nhe được xây dựng sau này.
Ông Phan Văn Thuận (SN 1959, trú tại thôn Đại Bản) - nhân viên bảo vệ di tích nhớ lại, khi Mỹ thả bom xuống thì vợ ông đang bắt cá trên sông Nhe, cũng gần vị trí này, nhưng chỉ bị ngất đi. Đến nay, nhiều hài cốt của các anh vẫn đang nằm dưới dòng sông chưa thể tìm thấy.
“53 chiến sỹ đã ngã xuống tại đây, một số vẫn chưa tìm thấy thi hài. Năm 2003, hàng trăm người gồm dân quân tự vệ, cùng người dân địa phương phối hợp khoanh vùng, chia thành từng tốp lật từng tấc đất để tìm kiếm nhưng quy tập được 27 phần hài cốt liệt sỹ", ông Thuận kể.
Những người dân tại đây cho biết, cầu Nhe được Pháp xây dựng theo kiến trúc cầu vòm, gồm 3 nhịp, dài khoảng 10m, bắc qua sông Nhe. Sau trận thả bom vào 54 năm trước, giờ chỉ còn lại một phần cầu nằm giữa dòng sông, cạnh đó còn nhiều hố bom.
Những người dân tại đây cho biết, cầu Nhe được Pháp xây dựng theo kiến trúc cầu vòm, gồm 3 nhịp, dài khoảng 10m, bắc qua sông Nhe. Sau trận thả bom vào 54 năm trước, giờ chỉ còn lại một phần cầu nằm giữa dòng sông, cạnh đó còn nhiều hố bom.
Những người dân tại đây cho biết, cầu Nhe được Pháp xây dựng theo kiến trúc cầu vòm, gồm 3 nhịp, dài khoảng 10m, bắc qua sông Nhe. Sau trận thả bom vào 54 năm trước, giờ chỉ còn lại một phần cầu nằm giữa dòng sông, cạnh đó còn nhiều hố bom.
Theo một cán bộ xã Khánh Vĩnh Yên chia sẻ, năm 2003 có khoảng 400 người trong đó gồm Huyện đội Can Lộc, chính quyền cùng người dân các xã lân cận cùng đến cùng ngăn sông, bới từng tấc đất để tìm thi hài của các anh. Hơn 1 tuần quy tập, do chỉ tìm được 27 phần hài cốt nên chính quyền địa phương và người thân các liệt sĩ thống nhất làm một ngôi mộ chung đặt trước 53 ngôi mộ gió của các liệt sĩ.
53 ngôi mộ gió được xây dựng trong khuôn viên di tích lịch sử cầu Nhe, phía trước là ngôi mộ chung của 53 chiến sĩ hy sinh.
Năm 2005, Nhà bia - Miếu thờ các Liệt sĩ hy sinh tại cầu Nhe đã được xây dựng cách cầu Nhe chừng 50m. Đến năm 2014, UBND tỉnh công nhận Nhà bia - Miếu thờ Liệt sĩ cầu Nhe là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên - Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo các nhân chứng sống kể lại thì thời điểm bộ đội hành quân qua cầu Nhe theo hai tốp, di chuyển trên cung đường dài khoảng 200m. 53 liệt sỹ hy sinh tại đây chỉ yếu là người Hải Phòng.
Hằng năm, dịp 15/4, 27/7 nhân dân địa phương vẫn đến Nhà bia - Miếu thờ các Liệt sĩ hy sinh tại cầu Nhe để thắp hương tưởng niệm những người con đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong ảnh lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và thành phố Hải Phòng đến dâng hương tại khu tưởng niệm 53 liệt sĩ hy sinh tại cầu Nhe.