Thoả thuận Mỹ - Trung khiến châu Âu bị gạt ra rìa

TPO - Việc Trung Quốc cam kết thực hiện các điều khoản trong thoả thuận thương mại với Mỹ ký hồi tháng 1 năm nay khiến nhiều công ty châu Âu cảm thấy bị đẩy ra khỏi thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, các nhà quan sát đánh giá. 
Trung Quốc mua hơn 1 tỷ USD đậu nành từ Mỹ trong quý 1/2020. (Ảnh: Bloomberg)

Theo thoả thuận, Bắc Kinh hứa sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng nông sản Mỹ trong vòng 2 năm. Cam kết đó được nhắc lại trong tuần này khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompoo gặp Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii để thảo luận về hàng loạt vấn đề gai góc trong quan hệ song phương. 

Thoả thuận trở thành đòn giáng mạnh đối với các công ty châu Âu vì Bắc Kinh tìm kiếm nguồn hàng thay thế từ Mỹ. 

Theo ông Max Zenglein, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Đức, cho biết các công ty châu Âu coi thoả thuận Mỹ - Trung là “rất có vấn đề”. 

“Việc Trung Quốc tập trung nhập khẩu từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà cung cấp khác”, ông Zenglein nói.

Con số thống kê từ phía Trung Quốc cho thấy quan ngại đó là có cơ sở. 

Năm 2018, khi chiến tranh thương mại đang diễn ra, Bắc Kinh cho phép 46 công ty thịt từ EU xuất khẩu sang Trung Quốc, cao gấp đôi số lượng từ Mỹ. 

Năm ngoái, khi Trung Quốc thiếu thịt lợn và các loại thịt khác sau khi dịch tả lợn châu Phi tàn phá ngành chăn nuôi, số lượng nhà cung cấp thịt từ EU được phép xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên 112. 

Sản lượng nông sản EU bán sang Trung Quốc năm 2019 tăng 38% so với năm trước, lên mức 15,3 tỷ euro. 

Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi. Trong 10 tháng của năm 2019, Bắc Kinh không cấp giấy phép mới nào cho các nhà xuất khẩu thịt từ Mỹ mà chỉ cho 350 doanh nghiệp trong số đó triển khai hợp đồng bán hàng trong tháng 11 và 12. 

Xu hướng này tiếp tục trong năm 2020, với 1.024 công ty Mỹ được “bật đèn xanh” để bán hàng sang Trung Quốc, trong khi EU chỉ có 24. 

“Thoả thuận giai đoạn một nghĩa là còn ít chỗ hơn cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc”, một nhà ngoại giao giấu tên nói với báo SCMP. 

“Thoả thuận này thực sự đã hút gần hết không khí trong phòng trong lĩnh vực nông nghiệp, khiến các công ty và chính phủ bực bội”, nhà ngoại giao cho biết. 

Trong 3 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc mua hơn 1 tỷ USD đậu nành và 691 triệu USD thịt lợn từ Mỹ. 

Cho dù số lượng đơn hàng từ Mỹ tăng lên, ông Zenglein nói rằng Trung Quốc khó có thể hoàn thành lời hứa mua thêm 200 tỷ USD nông sản Mỹ trong 2 năm vì những gián đoạn cho đại dịch COVID-19 gây ra. 

Những lời hứa mà ông Dương Khiết Trì đưa ra ở Haiwaii rất có thể chỉ nhằm dỗ dành Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang hy vọng đắc cử thêm một nhiệm kỳ, ông Zenglein nhận định. 

“Với tầm quan trọng của các bang sản xuất nông nghiệp đối với ông Trump, có thể đây chỉ là cách lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rằng họ tuân thủ thoả thuận”, ông Zenglein nói. 

Trong khi đó, sản lượng bán hàng nông sản từ EU sang Trung Quốc dự kiến còn tiếp tục giảm sau khi các quan chức ở Bắc Kinh nói rằng ổ dịch COVID-19 mới ở Bắc Kinh liên quan đến virus corona “chủng châu Âu”. 

Khách hàng Trung Quốc đã dừng nhập khẩu cá hồi châu Âu sau khi virus corona được phát hiện trên những chiếc thớt được dùng để xẻ cá hồi ở chợ thực phẩm đầu mối Tân Phát Địa, tâm điểm của ổ dịch mới ở Bắc Kinh.