Thơ trẻ hiện nay hơi cực đoan

TP - “Làm xong bài thơ, tôi đọc cho đồng đội nghe, nhiều người đã khóc. Nay nhắc lại bài thơ này sau đúng 40 năm, tôi lại thấy bồi hồi”, nhà thơ Giang Nam chia sẻ khi ông viết bài thơ Vì một em gái ngã xuống giữa ngày 28-1-1973.

> Lảnh lót tiếng thơ trong Văn Miếu
> Thơ nội, thơ ngoại cùng cất tiếng

Vì sao ông sáng tác bài thơ này đúng một ngày sau khi Hiệp định Paris vừa được ký kết (27-1-1973)?

Thời điểm này chúng tôi đang ở vùng đất lửa Củ Chi. Hôm đó sau khi nghe tin Hiệp định Paris được ký kết, lệnh ngừng bắn có hiệu lực nên chúng tôi ra khỏi hầm tranh thủ hít thở cho thoải mái, rồi treo cờ, giặt quần áo..., không ngờ lại bị địch nã pháo vào. Lúc đó, có một em gái tên Út Nhỏ, nhân viên cơ quan chúng tôi đang nấu cơm thì trúng đạn pháo của địch và hy sinh.

 Thơ trẻ bây giờ một số có xu hướng chơi thơ, tức là làm xong đưa ra xem hiệu ứng đối với người đọc thế nào, nếu được thì tiếp tục, không thì bỏ luôn. Với chúng tôi, thơ vừa là nghề, vừa là nghiệp, nó đeo đẳng suốt đời. 

Quá sốc và thương cảm, tôi viết một mạch bài thơ trong vòng một giờ để tiễn biệt em: “Chúng nó bắn em bằng một quả đạn 105 ly khi em đang ngồi trông cơm bên bếp lửa/Hạt gạo chưa ăn bỗng pha màu máu đỏ/Ơi hạt gạo ân tình mẹ mới gửi ra... Em ngã xuống trong ngày ngừng bắn/Không phải quả đạn 105 ly cuối cùng/Không phải do một thằng sát nhân điên loạn/Chúng rất tỉnh táo đấy em/Nên anh không được quyền rơi nước mắt/Nên khẩu súng em mang anh lại nhận thêm cho mình/Và những đoá hoa rừng anh lại trồng thêm thay em”.

Bài thơ có tựa đề khá dài, trong thơ lại có những câu cũng dài như văn xuôi. Dường như không ít nhà thơ trẻ hiện nay cũng có xu hướng như vậy?

Bài này có tựa đề dài nhất trong số thơ của tôi, lời thơ một số câu cũng hơi dài. Đây là thể thơ tự do xuất hiện từ phong trào thơ mới, được các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, trong đó có tôi hay dùng. Bài Quê hương của tôi, hay Màu tím hoa sim của Hữu Loan cũng là thơ mới, gần như là thơ trẻ bây giờ.

Thơ mới hiện nay được các nhà thơ trẻ sử dụng rộng rãi trong thơ hiện đại. Họ có điều kiện đọc nhiều, học nhiều hơn thế hệ chúng tôi. Đọc thơ của giới trẻ hôm nay thấy lời thơ thường viết khá dài, trong đó đề cập được những vấn đề mới của cuộc sống, dựng lên được một số hình tượng thấy thú vị. Đôi chỗ thấy kỹ thuật làm câu từ có khác để gần với cuộc sống đa dạng hơn của hôm nay.

Ông hay đọc thơ của giới trẻ và quan tâm tới người làm thơ trẻ?

Tôi đọc thơ của họ khá nhiều qua sách báo, đặc biệt trên tờ Văn nghệ Trẻ. Mỗi khi đọc được bài thơ hay, tôi thấy rất hạnh phúc và không ít lần được hưởng cảm giác đó.

Còn việc quan tâm đến lực lượng làm thơ trẻ, chỗ khác tôi chưa được rõ, còn tại Hội Văn nghệ tỉnh Khánh Hoà chúng tôi những năm gần đây thường có hội nghị các nhà văn, nhà thơ trẻ trong toàn tỉnh. Ở Hội Văn nghệ của tỉnh tôi (nhà thơ Giang Nam nhiều năm là Chủ tịch Hội Văn nghệ của tỉnh - PV), nếu mỗi nhiệm kỳ mà không phát hiện được lực lượng trẻ làm thơ, văn xuôi thì coi như thất bại.

Bên cạnh điểm mạnh của giới làm thơ trẻ, ông thấy có gì cần bổ khuyết?

Có một số nhà thơ dường như chưa khai thác được đúng đặc trưng ngôn ngữ, âm thanh tiếng Việt nên hay viết theo kiểu phương Tây. Điều đó khiến lời thơ dài nhưng lại đọc như văn xuôi chứ chưa hẳn là thơ. Hơn nữa, tiếng nước ngoài đa âm nên làm thơ chỉ cần âm cuối cùng, trong khi tiếng Việt đơn âm nên phải nói từng chữ. Làm thơ dù sao cũng phải có vần điệu, làm câu trước phải để người đọc dễ liên tưởng đến câu sau. Nhiều bài thơ bây giờ, thú thật rất khó thuộc. Mà để người đọc dễ nhớ, dễ thuộc cũng là một yếu tố quan trọng của bài thơ hay.

Thứ nữa, trong thơ trẻ bây giờ một số có xu hướng chơi thơ, tức là làm xong đưa ra xem hiệu ứng đối với người đọc thế nào, nếu được thì tiếp tục, không thì bỏ luôn. Điều này khá tiếc so với lớp đàn anh trước đây, thường sống chết với thơ. Với chúng tôi, thơ vừa là nghề, vừa là nghiệp, nó đeo đẳng suốt đời.

Ý cuối tôi muốn nói, thơ trẻ hiện nay có chỗ hơi cực đoan, nhiều cái cứ muốn đập tan, đập nát, điều này dễ dẫn tới hiểu lầm.

Nhà thơ Giang Nam.

Tại Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất được tổ chức tại nước ta cách đây một năm, ông từng nói thơ phải là cái gì đó rất cá nhân, phải thật với chính mình, đừng mô phỏng theo ai hết. Trong khi đó, một số nhà thơ trẻ hiện nay cũng cho rằng “tôi làm thơ cho mình, thơ tự tôi nghĩ ra” lại bị xem là cực đoan?

Điều này có lẽ phải quay lại chuyện cũ một chút. Trước đây, ba bài thơ Núi đôi, Màu tím hoa sim, Quê hương liên tiếp xuất hiện chỉ cách nhau vài tháng, trong đó đều nói về sự hy sinh của người con gái, của tình yêu và nỗi cách xa. Khi đó ba tác giả đâu hề biết nhau, và câu chuyện đều là riêng của mỗi người, nhưng thực tế cuộc chiến tranh khi đó khiến cái riêng của mỗi chúng tôi lại là cái chung của nhau, xa hơn là cái chung của tình cảm con người khiến mỗi bài thơ đều được nhớ đến nay.

Còn điều bị cho là cực đoan, khi nhà thơ cho rằng mình tự làm thơ cho mình, nhưng lại không tìm thấy sự đồng điệu từ những người khác. Sự thiếu đồng điệu này có lẽ do nhà thơ thiếu thực tế cuộc sống, nên khi tự nghĩ ra điều gì đó lại không được mọi người chấp nhận dễ dẫn đến cực đoan. Bên cạnh đó, có một số nhà thơ trẻ học theo cách làm thơ nước ngoài mà không có được cái hồn Việt của mình trong đó nên ý tứ trở nên xa lạ cũng là một trạng thái cực đoan. Trong khi thực tế, một bài thơ có rung cảm thực sự, thì dù làm theo phong cách nào, không những ta mà ngay cả người nước ngoài vẫn đều có thể thưởng thức được. Tôi nghĩ, thơ dù đổi mới, cách tân đến đâu vẫn cần giữ cái hồn dân tộc.

Xin cảm ơn nhà thơ Giang Nam.

Kiến Nghĩa
thực hiện

Theo Báo giấy