"Sau cuộc chiến kéo dài 44 ngày diễn ra 3 năm trước, đang có một cơ hội lịch sử để đạt được hòa bình trong khu vực. Chúng tôi tin rằng đến hôm nay, hơn bao giờ hết, cơ hội đạt được thỏa thuận hòa bình như vậy đã trở nên thực tế hơn nhiều, và không nên né tránh điều đó. Chúng tôi hoan nghênh tiến bộ tích cực hướng tới đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài và xác định biên giới giữa Azerbaijan và Armenia", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói trong cuộc họp báo ngày 14/12.
Ông Fidan cho rằng cộng đồng người Armenia ở phương Tây “lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân Armenia và đã xúi giục một số quốc gia đứng lên chống lại Azerbaijan".
“Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu họ hướng nỗ lực của mình vào việc thiết lập quan hệ bình thường với các nước láng giềng của họ”, ông nói.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi “các bên khác ngoài khu vực nên theo đuổi chính sách duy trì sự cân bằng và bình thường hóa”.
Ông Fidan cho biết, tiến bộ đạt được giữa Azerbaijan và Armenia sẽ tác động tích cực đến quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, và ông không thấy có trở ngại nào trên con đường tiến tới điều này.
Ngoại trưởng Fidan cũng khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hoàn toàn đứng về phía Azerbaijan và sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ trong khuôn khổ thỏa thuận.
Khu vực Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.
Giữa Armenia và Azerbaijan đã xảy ra 2 cuộc chiến tranh ở khu vực này trong vòng 3 thập kỷ qua.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp cho các các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới.