> Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là 'Mùa xuân Ảrập' mới?
> Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa Syria
Mặc dù bị cảnh sát thẳng tay đàn áp và hàng nghìn người bị bắt nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển và giờ đây đã lan sang hơn một nửa số tỉnh trong nước. Cuộc mít tinh giữa tuần qua trên quảng trường Taksim ở Istanbul có tới hàng chục nghìn người tham gia.
Chống lại Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan và đảng Hồi giáo ôn hoà của ông - đảng Công lý và Phát triển (AKP) - không chỉ là những người dân bình thường mà còn có lực lượng hùng mạnh của phe dân tộc chủ nghĩa. Lực lượng này đã thống trị đất nước một thời gian dài cho tới khi thất bại trong cuộc bầu cử gần đây. Tuy thất bại nhưng đằng sau họ là quân đội mặc dù cho tới nay lực lượng này vẫn án binh bất động.
Sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Recep Erdogan đã ổn định được tình hình trong nước và nâng cao được vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế nhờ một loạt chính sách hợp lòng dân. Quan trọng hơn hết, ông đã đem lại sự phồn vinh cho đất nước - chưa bao giờ người dân Thổ được sống sung túc như trong những năm gần đây.
Đối ngoại, ông kết bạn với các nước láng giềng như Syria, Iran và Nga, đe dọa Israel là sẽ phái hạm đội đến dải Gaza của Palestine. Ông còn bảo vệ những người nghèo khổ, mở hàng trăm nhà hàng chất lượng cao nhưng rẻ tiền để phục vụ những gia đình có thu nhập thấp.
Ông cho phép nam giới Thổ để râu và cho phép phụ nữ Thổ trùm khăn (trước đây những điều này bị phe dân tộc chủ nghĩa cấm ngặt). Chỉ trong một thời gian ngắn, nước Thổ dưới sự lãnh đạo của ông đã trở thành hình mẫu cho thế giới A Rập và ông được coi là một trong những nhà lãnh đạo được lòng dân nhất trong lịch sử nước này.
Nhưng bỗng ông quay ngoắt 180 độ: Kết thân với Mỹ, ủng hộ phe nổi dậy chống Chính phủ ở Syria, cho phép vũ khí và các tay súng Hồi giáo cực đoan quá cảnh qua đất Thổ - những hành động dáng một đòn nặng vào nền kinh tế Thổ và khiến nạn thất nghiệp tăng vọt. Ông còn gây bất hoà với Iran, lên án phong trào Hezbollah ở Lebanon, làm lành với Israel và kết thân với Qatar.
Đối nội, ông thực hiện tư nhân hoá khiến nạn tham nhũng phát triển và quá coi trọng Hồi giáo nên các công dân thế tục bất mãn vì quyền của mình bị vi phạm.
Theo ý kiến của nhiều nhà phân tích, ông Erdogan và đảng AKP của ông đang lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Lối thoát duy nhất là trở lại đường lối trước đây, cả đường lối đối nội lẫn đối ngoại.
Một kịch bản khác tồi tệ hơn nhiều. Vai trò trung tâm trong kịch bản này sẽ là quân đội. Mặc dù vào năm 2012 có hàng chục viên tướng bị bắt giữ hoặc buộc phải từ chức và bị cắt rời khỏi hoạt động kinh doanh nhưng quân đội Thổ vẫn là một lực lượng hùng mạnh, có truyền thống ủng hộ phe dân tộc chủ nghĩa và xưa nay vẫn có quan hệ chặt chẽ với NATO. Vì thế các nhà phân tích không loại trừ khả năng ở Thổ sẽ xẩy ra đảo chính quân sự.
Ngọc Thoa
Theo Komsomolskaja pravda