Thổ Nhĩ Kỳ bắt nhiều thẩm phán, tướng lĩnh hậu đảo chính

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7 đã bắt giữ hàng loạt quan chức quân đội và thẩm phán khắp cả nước, với cáo buộc liên quan đến âm mưu đảo chính. Dù vậy, giới quan sát tin rằng Tổng thống Erdogan có thể sẽ nhân cơ hội này triệt hạ các đối thủ.
Tướng Erdal Ozturk bị bắt với cáo buộc phản quốc. (Ảnh: Daily Mail).

Cho đến nay, tướng Adem Huduti là sỹ quan cấp cao nhất bị bắt giữ hậu âm mưu đảo chính,  khiến hơn 160 dân thường thiệt mạng. 104 kẻ tham gia âm mưu bị tiêu diệt. Tướng Huduti là tư lệnh quân đoàn bộ binh số 2, phụ trách bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ kỳ với Syria, Iraq và Iran.

Ngoài ra, tướng Erdal Ozturk, tư lệnh quân đoàn bộ binh số 3 cũng đã bị bắt với cáo buộc liên quan đến âm mưu đảo chính. Trong khi đó, theo tờ Daily Mail, 8 sỹ quan và binh sỹ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng trực thăng chạy sang Hy Lạp xin tị nạn, với hy vọng không bị dẫn độ.

Thông tin từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định gần 3000 binh sỹ đã bị bắt giữ trong một cuộc thanh lọc lớn các lực lượng vũ trang.

Các lực lượng thực thi pháp luật cũng bắt giữ một trong số 17 thành viên của tòa Hiến pháp, tòa án cấp cao nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, kênh NTV đưa tin. Dù vậy chưa có cáo buộc nào được đưa ra.

Tướng Adem Huduti đã bị bắt vì nghi liên quan đến đảo chính. (Ảnh: Malay Online).

Trước đó giới chức tư pháp nước này cho biết khoảng 2.745 thẩm phán khắp cả nước sẽ bị sa thải sau vụ đảo chính bất thành tối 15/7.

Phát biểu trước đám đông những người ủng hộ tại Istanbul trong chiều 16/7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông vẫn kiểm soát đất nước, và cảnh báo “chúng ta sẽ vào tận hang ổ của chúng và đào xới chúng lên”. “Chúng ta sẽ không để đất nước này rơi vào tay một số kẻ khủng bố. Chiến dịch loại trừ chúng và làm sạch hệ thống đang được triển khai”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Âm mưu

Giữa lúc hàng loạt tướng lĩnh, thẩm phán và binh sỹ quân đội bị bắt, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã mô tả về một âm mưu khổng lồ, có sự tham gia của các quan chức quân đội cấp cao cùng thành viên cơ quan tư pháp có ý định lật đổ chính phủ.

Những kẻ chủ mưu đã chọn ra người đứng đầu quân đội cho từng tỉnh tại Thổ Nhĩ Kỳ, sẵn sàng bổ nhiệm sau khi tuyên bố luật giới nghiêm, một quan chức tiết lộ với tờ Financial Times.

Dù vậy, tính chất của âm mưu đảo chính, với sự góp mặt của nhiều binh sỹ trẻ được triển khai tới cầu Bosphorus tại Istanbul và các địa điểm khác, trong khi các chiến đấu cơ và trực thăng nhắm vào các mục tiêu tại thủ đô Ankara, khiến một số quan chức hoài nghi về vai trò của những người tham gia.

Một quan chức được tiếp cận thông tin điều tra ban đầu, cho biết có vẻ như các binh sỹ điều khiển xe tăng và xe bọc thép đã được thông báo rằng họ sẽ tham gia vào một cuộc tập trận quân sự.

Thanh trừng

Một nhà quan sát quân sự phương tây giấu tên cho biết phần lớn các binh sỹ liên quan đến âm mưu đảo chính thuộc lực lượng Không quân.

Tổng thống Erdogan phát biểu trong ngày 16/7 sau khi tuyên bố đẩy lùi đảo chính. (Ảnh: Reuters).

Trong số các quân nhân bị bắt có 250 người bị bắt tại tổng hành dinh của lực lượng Hiến binh ở Ankara. 5 tướng quân đội và 29 sỹ quan cấp tá bị sa thải. Hơn 40 thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trong đảo chính.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn cáo buộc giáo sỹ Hồi giáo lưu vong Fethullah Gulen đứng sau âm mưu đảo chính. Dù vậy, trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, giáo sỹ này đã gọi các cáo buộc trên là vô căn cứ.

Hãng tin Haberturk dẫn lời cơ quan công tố Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, vụ đảo chính do một bộ phận binh sỹ có liên hệ với ông Gulen thực hiện. Họ vội vã triển khai âm mưu sau khi biết rằng mình có thể đối diện những trừng phạt tại một phiên họp thường niên của ủy ban quân sự trong tháng tới.

Sau những ồn ào trong ngày thứ Bảy, đường phố Istanbul đã yên ắng hơn, ngoại trừ những người ủng hộ ông Erdogan xuống đường vẫy cờ và hò reo. Tại thủ đô Ankara, những vết sẹo do giao tranh để lại còn lộ rõ, đặc biệt tại tòa nhà quốc hội. Tòa nhà này đã bị trúng 7 quả bom nhưng vẫn đứng vững.

Ông Henri Barkey, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Woodrow Wilson cho rằng tác động của vụ đảo chính bất thành sẽ gây chia rẽ sâu sắc đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ.

“Ông Erdogan sẽ rất quyết liệt với bất kỳ đối thủ bị nghi ngờ nào, và giờ đây cáo buộc được đưa ra sẽ là những người đó có liên quan đến đảo chính. Đó sẽ là một sự chia rẽ mới đầy kinh khủng tại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Barkey nói, trước khi nhận định vị tổng thống có thể lấy âm mưu đảo chính làm cái cớ để sửa đổi hiến pháp và tạo ra một hệ thống chính trị do tổng thống nắm mọi quyền hành. Điều này sẽ giúp ông Erdogan củng cố hơn nữa vị thế của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Theo Dân trí