Thiếu kỹ năng nhưng nhiều sinh viên mới ra trường vẫn muốn làm giám đốc

TPO - “Trong các cuộc phỏng vấn, tôi hỏi vì sao em lại ứng tuyển vào vị trí này thì các em hồn nhiên đáp do thầy cô bảo với năng lực ở trình độ đại học thì có thể đảm đương được vị trí này. Đây là suy nghĩ thiếu rất thực tế”, đại diện 1 khách sạn 5 sao chia sẻ về kinh nghiệm ứng tuyển của các sinh viên mới ra trường khi trả lời tuyển dụng viên.
Đại diện các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề chia sẻ tại chương trình

Tại hội thảo “Xu hướng tuyển dụng nhân sự ngành nhà hàng, khách sạn thời đại 4.0” ngày 18/12,  bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó tổng giám đốc Cty Hướng nghiệp Á Âu cho biết, theo dự báo mỗi năm thị trường dịch vụ ngành nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam cần thêm 40 nghìn lao động với nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ đáp ứng được 15 nghìn lao động.

Chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự, bà Vũ Thị Mai, Giám đốc Nhân sự khách sạn Sheraton Hà Nội cho biết, để tuyển được nhân sự chất lượng trong lĩnh vực khách sạn rất khó. Khách sạn muốn tuyển 10 lao động nhưng chỉ 1 - 2 lao động đáp ứng được yêu cầu. Theo bà Mai, sinh viên ra trường còn thiếu các kỹ năng nghề, kỹ năng giao tiếp và vốn ngoại ngữ. Tỷ lệ ứng viên chưa qua đào tạo cao nên ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Bà Việt Anh, đại diện 1 khách sạn 5 sao ở Hà Nội cho biết, dù đã thiếu lao động nhưng nhiều em sinh viên vừa tốt nghiệp lại muốn làm ngay vị trí giám đốc, quản lý.

“Trong các cuộc phỏng vấn, tôi hỏi vì sao em lại ứng tuyển vào vị trí này thì các em hồn nhiên đáp do thầy cô bảo với năng lực ở trình độ đại học thì có thể đảm đương được vị trí này. Đây là suy nghĩ thiếu rất thực tế”, bà Việt Anh chia sẻ.

Ngược lại, theo bà Việt Anh đối với những bạn học trường cao đẳng, học nghề, các em biết năng lực của mình nên xác định tư tưởng rất rõ, định hướng đi từ cấp nhân viên rồi phấn đấu lên các vị trí cao hơn.

Theo đại diện các doanh nghiệp, để ngành nhà hàng, khách sạn có những nhân sự tốt, cần sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp tuyển dụng. Các cơ sở đào tạo nghề cần định hướng rõ hơn cho sinh viên, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng viên và tăng thời gian thực tập để các em có nhiều cơ hội tiếp xúc với công việc thực tế trước khi ra trường.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Tổng giám đốc Cty Hướng nghiệp Á Âu cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay các cơ sở đào tạo nghề cũng cần liên tục cập nhật những thay đổi của thị trường lao động, và áp dụng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.